Khi sương sớm còn bảng lảng trên lưng chừng núi, con đường dẫn lên điểm cao 468 đã in dấu những bước chân lặng lẽ. Giữa sắc xanh của đại ngàn, từng bước đi như gửi lời tri ân đến những người đã nằm lại. Nơi từng là ranh giới giữa sự sống và cái chết, giờ trở thành mốc son lịch sử, nơi tinh thần yêu nước thấm đẫm trong từng tấc đất, nhành cây.

Bạn trẻ Thu Hiền trong đoàn, khẽ đặt giỏ hoa dưới chân bia tưởng niệm, giọng run run: “Em từng đọc nhiều về cuộc chiến Vị Xuyên, nhưng chỉ khi đứng ở đây - nơi từng là chảo lửa mới thực sự cảm nhận được hết sự khốc liệt và mất mát…”.

Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ tại điểm cao 468 nằm giữa lưng chừng núi, bốn bề núi non trùng điệp-nơi ghi dấu những tọa độ từng thấm máu xương trong cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc. 

Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại điểm cao 468 nằm giữa lưng chừng núi Nậm Ngặt (xã Thanh Thủy), bốn bề là núi non trùng điệp, mây trắng vờn qua mái ngói. Từ nơi thiêng liêng này, có thể nhìn rõ các điểm cao 772, 685,… – những tọa độ từng hằn sâu trong lịch sử, nơi mỗi mét đất đều thấm máu xương của những người lính đã ngã xuống để giữ từng tấc đất nơi địa đầu Tổ quốc.

Giữa không gian tĩnh lặng, chỉ còn đá núi trầm mặc, hoa trắng mong manh và làn khói hương quyện trong mưa bay phơ phất. Người trẻ tìm về nơi này không phải vì phong trào, mà để lắng nghe không chỉ bằng đôi tai, mà bằng cả trái tim.

Các cựu chiến binh đứng lặng, ánh mắt hướng về xa xăm – nơi từng là “tọa độ máu” của một thời không thể quên. Trong làn mưa bảng lảng, có người siết chặt bàn tay run rẩy, như thể đang gọi tên một đồng đội chưa kịp trở về. Có người cúi đầu thật sâu, mặc cho nước mưa hay nước mắt lăn dài trên gò má đã hằn vết trận mạc.

Tuổi hai mươi ấy – cái tuổi họ đã gửi lại nơi chiến hào, nơi sự sống và cái chết chỉ cách nhau gang tấc; nay đã hóa thân vào đá, vào đất, vào những tán rừng. Những người đồng đội nằm lại nơi đại ngàn kia vẫn hiện diện đâu đó trong tiếng gió, mùi khói nhang, trong từng giấc mơ thao thức của người ở lại.

Trong làn hương khói bảng lảng giữa đại ngàn, các cựu chiến binh dâng nén nhang tri ân đồng đội tại Đài tưởng niệm liệt sĩ điểm cao 468. 

Vì sao phải tri ân?

Bởi nơi đây từng là một trong những chiến trường khốc liệt nhất trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, kéo dài suốt 10 năm (1979–1989), đặc biệt ác liệt từ năm 1984 đến 1989. Vị Xuyên từng được ví như “lò vôi thế kỷ”.

Trên tuyến biên giới này, Hà Giang (nay là tỉnh Tuyên Quang mới) là địa bàn trọng điểm – nơi diễn ra nhiều trận đánh khốc liệt tại các điểm cao 685, 772, 1030… Quân và dân ta chiến đấu kiên cường, buộc địch rút lui qua biên giới. Chiến thắng ấy phải đánh đổi bằng hơn 4.000 cán bộ, chiến sĩ hy sinh, hơn 9.000 người bị thương. Nhiều vùng đất bị bom mìn cày xới, hoang hóa suốt nhiều năm.

Đặc biệt, ngày 12-7-1984 trong trận đánh ở Thanh Thủy, hơn 1.000 chiến sĩ đã anh dũng hy sinh, riêng Sư đoàn 356 có 593 người vĩnh viễn nằm lại nơi núi rừng. Ngày 12-7 trở thành “giỗ trận” thiêng liêng của Sư đoàn.

Chiến tranh đã lùi xa, nhân dân được sống trong hòa bình. Nhưng Vị Xuyên vẫn còn đó những day dứt khôn nguôi: Hơn 1.000 hài cốt liệt sĩ vẫn chưa được tìm thấy, chưa thể trở về với gia đình, đồng đội.

Chính vì vậy, đài hương tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ tại điểm cao 468 được dựng lên như một lời tri ân thiêng liêng, như một điểm tựa tâm linh để những người ở lại tìm về, cúi đầu trước những linh hồn bất tử.

Tại Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Vị Xuyên, những ngôi mộ lặng lẽ giữ gìn ký ức một thời, nơi các anh hùng yên nghỉ ở tuổi hai mươi bất tử.

Chiều muộn, chúng tôi rời điểm cao 468, xuống Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Vị Xuyên. Mưa lất phất, gió rừng vi vút qua những hàng cây thẳng tắp, không gian càng thêm phần trầm mặc.

Nơi đây quy tập gần 2.000 phần mộ liệt sĩ, trong đó có nhiều ngôi mộ chỉ khắc vỏn vẹn dòng chữ: “Liệt sĩ… Chưa xác định được thông tin”. Những tấm bia đá xếp đều tăm tắp như đội hình quân đang yên nghỉ sau trận đánh cuối cùng, lặng lẽ, trang nghiêm mà thiêng liêng.

Một bạn trẻ lặng bước giữa các hàng mộ, bàn tay khẽ đặt lên tấm bia lạnh, nước mắt lặng lẽ rơi trước dòng khắc vô danh ấy. Một người khác cúi xuống đặt đóa cúc trắng dưới chân mộ, rồi đứng lặng hồi lâu, như muốn giữ lại khoảnh khắc thiêng liêng ấy mãi trong tim.

Không ai bảo ai, tất cả đều cúi đầu. Cảm giác như thời gian lặng lại nơi đây – nơi quá khứ và hiện tại giao nhau trong lòng biết ơn sâu thẳm.

Một cựu chiến binh tóc bạc nói khẽ: “Đồng đội tôi nằm đây nhiều lắm. Có người tôi còn nhớ rõ mặt, giờ chỉ còn lại tấm bia nhỏ…”.

Tiếng kèn “Hồn tử sĩ” vang lên từ chiếc loa nhỏ, chậm rãi vang vọng giữa núi rừng. Âm thanh ấy như gọi về ký ức của những năm tháng hào hùng. Giây phút ấy, không ai cầm được nước mắt.

Vị Xuyên không chỉ là chiến trường, đó là biểu tượng của tinh thần bất khuất, là hồi chuông nhắc nhớ về lòng yêu nước và trách nhiệm gìn giữ hòa bình hôm nay.

Tri ân, vì thế, không chỉ là một lễ tưởng niệm hay một nén hương trong Tháng Bảy. Tri ân là sống tử tế, sống có trách nhiệm, là lời cảm ơn được viết bằng hành động mỗi ngày.

Để rồi, một lần đặt chân lên điểm cao 468, ghé thăm Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Vị Xuyên – nơi ký ức và lòng biết ơn quyện trong làn khói nhang, ngọn lửa yêu nước lại được thắp lên, tiếp tục cháy mãi trong tim các thế hệ mai sau.

Bài, ảnh: HÀ LINH

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.