Mùa thu năm ngoái, tại một khu sản xuất rộng lớn ở thành phố Dusseldorf, Đức đã diễn ra buổi lễ kết thúc hoạt động sản xuất của một nhà máy có tuổi đời hơn 100 năm. Giữa ánh sáng bập bùng của pháo sáng và đuốc, nhiều người trong số 1.600 người mất việc đứng ngơ ngác khi sản phẩm cuối cùng-một ống thép được mài nhẵn thành một hình trụ hoàn hảo trên máy cán. Buổi lễ kết thúc 124 năm hoạt động của nhà máy được xây dựng từ thời kỳ hoàng kim của công nghiệp hóa ở Đức. Dù vượt qua hai cuộc chiến tranh thế giới nhưng cuối cùng, nhà máy này lại không thể tồn tại sau cuộc khủng hoảng năng lượng.

Trong năm vừa qua, tại Đức đã có rất nhiều buổi lễ như vậy. Điều này cho thấy thực tế nghiệt ngã mà nước Đức phải đối mặt: Những ngày tháng là một siêu cường công nghiệp có thể sắp kết thúc. Sản lượng của nền kinh tế lớn nhất châu Âu có xu hướng giảm kể từ năm 2017 và sự suy giảm này ngày càng gia tăng khi khả năng cạnh tranh bị xói mòn. Ông Stefan Klebert, Giám đốc điều hành của Tập đoàn GEA, nhà cung cấp máy móc sản xuất hoạt động từ cuối những năm 1800, cho biết: “Thành thật mà nói thì không có nhiều hy vọng. Tôi thực sự không chắc liệu chúng ta có thể ngăn chặn xu hướng này hay không. Nhiều thứ sẽ phải thay đổi rất nhanh”.

Bloomberg nhận định, nền tảng của bộ máy công nghiệp Đức đã sụp đổ như quân cờ domino. Mỹ đang rời xa châu Âu và đang tìm cách cạnh tranh với các đồng minh xuyên Đại Tây Dương để đầu tư vào khí hậu. Trung Quốc đang trở thành một đối thủ lớn hơn và không còn là người mua hàng Đức nhiệt tình như trước. Đòn cuối cùng giáng vào một số nhà sản xuất công nghiệp nặng là việc cắt đứt khối lượng lớn khí đốt tự nhiên giá rẻ từ Nga.

leftcenterrightdel

Một nhà máy của hãng xe BMW ở thành phố Munich, Đức. Ảnh: Getty Images. 

Trong một số trường hợp, quá trình giảm tốc sản xuất công nghiệp đang diễn ra theo từng bước nhỏ như thu hẹp quy mô và kế hoạch đầu tư. Những vấn đề khác biểu hiệu rõ hơn như chuyển đổi dây chuyền sản xuất và cắt giảm nhân sự. Vì Đức vẫn có một danh sách các nhà sản xuất nhỏ, linh hoạt nên Ngân hàng Trung ương Đức (Bundesbank) cùng các tổ chức khác bác bỏ quan điểm cho rằng quá trình phi công nghiệp hóa toàn diện đang ở rất gần. Tuy nhiên, với những cải cách bị đình trệ thì không rõ điều gì sẽ làm chậm lại sự suy giảm sản xuất công nghiệp của Đức. “Chúng tôi không còn khả năng cạnh tranh nữa. Chúng tôi ngày càng nghèo hơn vì không có tăng trưởng. Chúng tôi đang tụt lại phía sau”, Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner phát biểu tại một sự kiện do Bloomberg tổ chức hồi đầu tháng 2.

Bà Maria Rottger, người đứng đầu hãng sản xuất lốp xe Michelin khu vực Bắc Âu, cho biết khả năng cạnh tranh công nghiệp suy giảm có nguy cơ đẩy nước Đức vào vòng xoáy đi xuống. Hãng sản xuất lốp xe của Pháp này sẽ đóng cửa hai nhà máy ở Đức và thu hẹp 1/3 quy mô vào cuối năm 2025. Động thái này sẽ ảnh hưởng đến hơn 1.500 công nhân ở Đức. “Chúng tôi không thể xuất khẩu lốp xe tải từ Đức với giá cạnh tranh. Nếu không thể khiến xuất khẩu có tính cạnh tranh, Đức sẽ mất đi một trong những thế mạnh lớn nhất”, bà Rottger nhấn mạnh. Đối thủ Goodyear Tyre & Rubber Co của Mỹ cũng có kế hoạch tương tự cho hai cơ sở ở Đức.

Cuộc khủng hoảng năng lượng vào mùa hè năm 2022 là chất xúc tác chính cho những diễn biến trên. Dù tránh được những tình huống xấu nhất như nhà cửa thiếu khí đốt để sưởi ấm, giá năng lượng ở Đức vẫn cao hơn ở các nền kinh tế khác. Một trong những lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất do mất đi nguồn khí đốt giá rẻ của Nga là hóa chất. BASF, nhà sản xuất hóa chất lớn nhất châu Âu, đang cắt giảm 2.600 việc làm và đối thủ Lanxess cũng sa thải 7% nhân viên.

Tình trạng thiếu hụt năng lượng xảy ra ngay sau khi đại dịch Covid-19 gây gián đoạn chuỗi cung ứng. Khi đó, các dây chuyền lắp ráp ở Đức bị đình trệ vì các nhà sản xuất ô tô phải chờ đợi hàng tháng trời để nhận được chip và các linh kiện khác. Điều này nêu bật những rủi ro của việc Đức phụ thuộc quá nhiều vào mạng lưới nhà cung cấp rộng khắp trên thế giới, đặc biệt là ở châu Á.    

Trong bối cảnh ngành công nghiệp Đức đang phải đối mặt với nhiều thách thức, một số nhà sản xuất đã chọn cách thay đổi để thích ứng. Ví dụ, nhà sản xuất quạt và máy thở EBM-Papst đã mua lại một công ty cung cấp đang gặp khó khăn nghiêm trọng. Để tiếp tục tồn tại, EBM-Papst chuyển sang sản xuất linh kiện cho máy bơm nhiệt và trung tâm dữ liệu, đồng thời tránh xa lĩnh vực ô tô. EBM-Papst cũng có kế hoạch chuyển một số nhiệm vụ hành chính sang Đông Âu hoặc Ấn Độ do ở Đức đang thiếu nguồn cung lao động.

LÂM ANH

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.