Ngày 21-7-2017, lực lượng chính phủ Iraq cùng liên minh do Mỹ dẫn đầu đã tuyên bố kết thúc chiến dịch giải phóng Mosul, vốn trở thành “thủ đô đầu tiên” tại Trung Đông của IS từ năm 2014. Một năm sau khi thành phố trở lại dưới sự kiểm soát của chính phủ, các nhân viên của hãng tin RT (Nga) đã quay phim về cuộc sống hiện nay ở Mosul.
Những đau thương, mất mát, dấu tích của chiến tranh vẫn chưa được xóa mờ ở thành phố Mosul sau một năm được giải phóng khỏi tay IS. Thành phố vẫn nằm trong đống nổ nát. Theo RT, hiện nay tại Mosul, các tòa nhà chưa được xây dựng lại, cơ sở hạ tầng quan trọng cũng chưa được khôi phục và nhiều người dân đã chạy trốn khỏi cuộc chiến không muốn trở về. Bên cạnh đó, các nhà hoạt động nhân quyền cho biết, cũng đã có một số đổi thay nhưng gần như không thể sống được ở đây bởi cho đến tận bây giờ, không ai quan tâm đến việc khôi phục những cơ sở hạ tầng quan trọng. Những người dân trở về nhà của mình ở Mosul đang phải sống trong cảnh thiếu nước, thực phẩm, không điện và không được chăm sóc y tế. Các bệnh viện ở đây hầu như không hoạt động. Trong khi đó, dịch bệnh nguy hiểm đang hình thành bởi trên các con phố, dưới đống đổ nát của tòa nhà, xác người chết tiếp tục phân hủy trong nhiều tháng.
 |
Đại sứ thiện chí của UNHCR Angelina Jolie bên đống đổ nát ở thành phố Mosul (Iraq). Ảnh: Reuters. |
Theo số liệu của Liên hợp quốc (LHQ), trong cuộc chiến kéo dài đánh lùi IS, đã có hơn 1 triệu người dân buộc phải rời bỏ nhà cửa, chạy khỏi Mosul. Nhiều người thậm chí còn sợ phải trở về thành phố đổ nát, thích trốn trong lều trại dành cho những người tị nạn. Một số người lại sợ những kẻ khủng bố IS còn sống sót.
Benoit de Gris, người quản lý hoạt động của Tổ chức Bác sĩ không biên giới ở Trung Đông, cho biết, những người dân Mosul đã trở thành dân tị nạn trong chiến dịch quân sự rất khó có thể quay trở lại quê hương của mình. "Trên đường phố hay trong chính ngôi nhà của mình, họ có thể nhìn thấy thi thể của ai đó. Nếu trở về, họ phải đối mặt với những nỗi kinh hoàng đang diễn ra ở thành phố này”.
Một cư dân Mosul có tên Muhammad Kadir cho biết, cho đến tận bây giờ, nhiều thi thể vẫn được tìm thấy dưới những mảnh vỡ của các tòa nhà. "Những thi thể phát ra mùi hôi thối. Bọn trẻ bị ốm vì điều này", Muhammad Kadir nói.
Vào tháng 6 vừa qua, ngôi sao Hollywood Angelina Jolie đã đến thăm thành phố Mosul với tư cách là Đại sứ thiện chí của Cao ủy LHQ về người tị nạn (UNHCR). Nữ diễn viên đã bị sốc bởi cảnh hoang tàn ở nơi đây và nói rằng đó là "sự tàn phá khủng khiếp nhất" mà cô đã thấy trong suốt thời gian làm việc với UNHCR. Nữ minh tinh Hollywood nói: "Tôi kêu gọi cộng đồng quốc tế đừng quên Mosul và không từ bỏ người dân nơi đây. Công cuộc tái thiết Mosul là một điều kiện quan trọng để ổn định tình hình trong toàn khu vực”.
Chính quyền Iraq chính thức tuyên bố số dân thường thiệt mạng trong cuộc chiến đánh bật IS khỏi Mosul không vượt quá 1.200 người. Tuy nhiên, các chuyên gia tin chắc rằng số nạn nhân thực tế vượt quá con số này vài lần.
Tháng 5 vừa qua, cựu Bộ trưởng Quốc phòng, chính trị gia nổi tiếng của Iraq, Khaled al-Obeidi cho biết, công cuộc tái thiết Mosul vẫn chưa được bắt đầu. Ông nói thêm rằng, không có một tòa nhà nào được xây dựng ở thành phố này trong suốt một năm qua. Ông nhấn mạnh: “Tất cả mọi người đều quan tâm tới vấn đề này nhưng kể từ khi chiến tranh kết thúc, Mosul đã bị lãng quên”. Theo ông, các khoản viện trợ tái thiết Mosul từ các nước phương Tây rõ ràng là không đủ. Ví dụ, vào năm 2017, Berlin đã gửi khoảng 150 triệu USD để xây dựng lại Mosul. Tuy nhiên, Baghdad ước tính rằng, việc tái thiết khu đô thị bị phá hủy cần khoảng 100 tỷ USD, còn riêng việc khôi phục cơ sở hạ tầng quan trọng đòi hỏi khoản đầu tư 1 tỷ USD.
Nếu tình hình ở Mosul và các vùng lân cận không được bình thường hóa, nơi này có thể sẽ trở thành một khu vực bất ổn mới trong tương lai. Các chuyên gia cảnh báo, sẽ có nhiều kịch bản xấu xảy ra bởi Mosul được xem như là “thủ đô dầu mỏ” thuộc tỉnh Nineveh của Iraq.
Theo các chuyên gia, hiện nay Iraq không có đủ nguồn lực để bắt đầu một cuộc tái thiết hoàn toàn thành phố Mosul. “Thảm họa nhân đạo tại các khu vực trước đây bị IS chiếm đóng sẽ tiếp diễn trong một thời gian dài”, nhà khoa học Alexander Krylov của Trung tâm nghiên cứu Trung Đông thuộc Đại học Quan hệ Quốc tế Moscow (Nga) nhận định./.
LÂM ANH