Theo India Today, khoáng sản đất hiếm là một nhóm gồm 17 nguyên tố thiết yếu cho công nghệ hiện đại. Trong quá trình sản xuất từ xe điện, turbine gió đến điện thoại thông minh và hệ thống tên lửa như Akash, Astra đều không thể thiếu đất hiếm.
 |
Công ty Indian Rare Earths Limited (IREL) chiết xuất các nguyên tố đất hiếm từ cát biển ở bang Kerala, Ấn Độ. Ảnh: Getty Images |
Dữ liệu từ Cục Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS) cho thấy, Trung Quốc là nước có trữ lượng đất hiếm cao nhất thế giới trong năm 2024 với khoảng 44 triệu tấn. Con số này cao hơn gấp đôi nước đứng thứ hai là Brazil (21 triệu tấn), gấp hơn 6 lần nước xếp thứ ba là Ấn Độ (6,9 triệu tấn). Ngoài ra, Trung Quốc còn chiếm hơn 90% công suất chế biến đất hiếm trên toàn cầu.
Tuy nhiên, Trung Quốc gần đây đã hạn chế xuất khẩu 7 loại đất hiếm nhằm đáp trả chính sách thuế quan của Mỹ. Quyết định này đã ảnh hưởng tới các ngành công nghiệp trên toàn cầu, trong đó có ngành công nghiệp xe điện ở Ấn Độ. Do nguồn cung đất hiếm giảm, các nhà sản xuất ô tô ở Ấn Độ, bao gồm Maruti Suzuki và JSW MG Motor India, đang phải đối mặt với quy trình mua sắm kéo dài 40-45 ngày. Tình trạng này đang đe dọa tiến độ sản xuất trong lĩnh vực xe điện, đồ điện tử và các mục tiêu năng lượng sạch của Ấn Độ, nơi đã nhập khẩu 540 tấn nam châm đất hiếm từ Trung Quốc vào năm ngoái.
Hiện tại, Ấn Độ có trữ lượng đất hiếm lớn thứ ba trên toàn cầu với 6,9 triệu tấn oxit đất hiếm, chủ yếu nằm trong các vùng cát ven biển giàu monazit ở các bang Andhra Pradesh, Odisha, Tamil Nadu, Kerala và Tây Bengal. Tuy nhiên, sản lượng đất hiếm của nước này còn rất nhỏ, chỉ đóng góp chưa đến 1% sản lượng toàn cầu (khoảng 2.900 tấn trong giai đoạn 2023-2024).
Trên thực tế, dù có trữ lượng lớn, các mỏ đất hiếm của Ấn Độ thường lẫn với nguyên tố phóng xạ như thori, làm tăng chi phí và rủi ro khai thác. Bên cạnh đó, theo CNBC, Ấn Độ vẫn thiếu công nghệ tinh chế hiện đại cũng như nhân lực có kỹ thuật chuyên sâu trong lĩnh vực khai thác và chế biến đất hiếm. Một hạn chế khác là cơ sở hạ tầng ở các khu vực khai thác đất hiếm của Ấn Độ vẫn còn yếu kém. Việc thiếu vắng doanh nghiệp tư nhân trong lĩnh vực khai thác đất hiếm tại Ấn Độ cũng cản trở quá trình mở rộng quy mô.
Trong nỗ lực cải thiện tình hình, Ấn Độ đã khởi động chương trình Sứ mệnh khoáng sản quan trọng quốc gia nhằm phát triển một khuôn khổ hiệu quả để tiến tới tự chủ về nguồn cung đất hiếm. Mục tiêu của chương trình là xây dựng cơ chế khai thác, sản xuất và cung ứng chủ động, giảm thiểu rủi ro từ sự phụ thuộc vào nguồn cung bên ngoài. Theo chương trình này, Cơ quan Khảo sát Địa chất Ấn Độ (GSI) được giao nhiệm vụ thực hiện 1.200 dự án thăm dò từ nay đến năm 2031.
Bên cạnh đó, Chính phủ Ấn Độ hiện cũng đang xem xét mở rộng hợp tác công-tư trong lĩnh vực khai thác và chế biến đất hiếm, đồng thời cân nhắc áp dụng các chương trình ưu đãi, trợ cấp vốn và hỗ trợ chính sách để khuyến khích các doanh nghiệp trong nước tham gia đầu tư. Bộ Công nghiệp nặng Ấn Độ đã đề xuất một chương trình trị giá 1.345 tỷ rupee để khuyến khích sản xuất nam châm đất hiếm với sự tham gia của các công ty như Mahindra & Mahindra, Uno Minda và Sona BLW Precision Forgings. Ngoài ra, công ty nhà nước chuyên khai thác đất hiếm của Ấn Độ Indian Rare Earths Limited (IREL) cũng đang nỗ lực giảm xuất khẩu để ưu tiên nguồn cung trong nước. Ấn Độ cũng đang hợp tác với Australia, quốc gia có trữ lượng đất hiếm đáng kể, để bảo đảm nguồn cung ổn định.
Bà Gracelin Baskaran, Giám đốc Chương trình An ninh khoáng sản chiến lược tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) nhận định, với trữ lượng đất hiếm lớn thứ ba thế giới, Ấn Độ đang có điều kiện thuận lợi để giúp đa dạng hóa chuỗi cung ứng đất hiếm toàn cầu. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định, để thực sự tận dụng được tiềm năng về trữ lượng đất hiếm lớn, Ấn Độ phải đẩy mạnh khai thác trong nước, đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ chế biến, đào tạo nhân lực có kỹ thuật chuyên sâu và xây dựng chính sách hấp dẫn để thu hút đầu tư từ khu vực tư nhân.
LÂM ANH
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.