Trang mạng Bulgarian Military ngày 4-5 đưa tin, trong một cuộc trả lời phỏng vấn, Bộ trưởng Yasar Guler khẳng định Thổ Nhĩ Kỳ vẫn "quan tâm" tới máy bay Eurofighter Typhoon do Anh, Tây Ban Nha, Đức cùng Italy hợp tác phát triển. Tuy nhiên, có "một số vấn đề" mà Đức và Thổ Nhĩ Kỳ-hai thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO)-đến nay còn bất đồng. "Chúng tôi đã lên tiếng về chuyện này. Tôi tin tưởng rằng mọi vấn đề sẽ sớm được giải quyết", Bộ trưởng Yasar Guler nhấn mạnh.

leftcenterrightdel

Bộ trưởng Quốc phòng Yasar Guler thông báo Thổ Nhĩ Kỳ chưa từ bỏ kế hoạch mua máy bay tiêm kích Eurofighter Typhoon. Ảnh: Daily Sabah 

Theo hãng thông tấn Anadolu, Thổ Nhĩ Kỳ muốn mua 40 máy bay Eurofighter Typhoon vốn được quảng bá là máy bay chiến đấu đa nhiệm có khả năng "cung cấp đồng thời các năng lực không đối không và không đối đất", có thể mang bom dẫn đường bằng laser Paveway IV cùng nhiều loại tên lửa như: Meteor, AMRAAM, ASRAAM, IRIS-T, Storm Shadow, Brimstone... Tạp chí Forbes dẫn lời Giáo sư Ali Bakir tại Đại học Qatar (Doha, Qatar), đồng thời là nghiên cứu viên cao cấp của Hội đồng Đại Tây Dương-một viện nghiên cứu có trụ sở tại Washington (Mỹ) cho rằng, Thổ Nhĩ Kỳ muốn mua các máy bay Eurofighter Typhoon nhằm đa dạng hóa kho vũ khí, giảm phụ thuộc vào nguồn cung từ Mỹ. Ngoài ra, việc mua các máy bay tiêm kích hiện đại như Eurofighter Typhoon có thể là "giải pháp tạm thời" của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm "thu hẹp khoảng trống về công nghệ" cho đến khi máy bay tiêm kích nội địa thế hệ thứ 5 KAAN chính thức được bàn giao. Thêm vào đó, thương vụ Eurofighter Typhoon sẽ là phép thử cho khả năng hợp tác về quân sự giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Liên minh châu Âu (EU).

Theo Forbes, việc xuất khẩu máy bay Eurofighter Typhoon cần có sự đồng thuận của cả Anh, Tây Ban Nha, Đức và Italy. Trang mạng The Drive cho biết, trong khi Anh và Pháp đều ủng hộ, quan điểm của Italy không được đề cập cụ thể, Đức lại phản đối bán máy bay Eurofighter Typhoon cho Thổ Nhĩ Kỳ. Trên thực tế, việc Thổ Nhĩ Kỳ-một thành viên NATO mua hệ thống tên lửa phòng không S-400 do Nga sản xuất từng vấp phải sự phản đối của nhiều đồng minh trong NATO, trong đó có Đức. Thổ Nhĩ Kỳ và Đức cũng bất đồng quan điểm về chiến dịch quân sự của Ankara tại Syria hay xung đột giữa Israel và Hamas.

Không phải ngẫu nhiên trong cuộc trả lời phỏng vấn nói trên, Bộ trưởng Yasar Guler lại bày tỏ hy vọng việc bắt đầu bán Eurofighter Typhoon cho Saudi Arabia có thể là "chất xúc tác" cho thương vụ của Ankara liên quan tới dòng máy bay tiêm kích này. Hồi năm 2018, Đức từng ngừng bán vũ khí cho Saudi Arabia liên quan tới cuộc xung đột tại Yemen và vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi. Đến tháng 7 năm ngoái, Thủ tướng Đức Olaf Scholz vẫn tuyên bố Berlin sẽ không sớm quyết định đồng ý bán máy bay Eurofighter Typhoon cho Riyadh. Tuy nhiên, hồi đầu năm nay, Đức lại "bật đèn xanh" cho thương vụ này. Anadolu dẫn lời Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock cho biết, Berlin thay đổi quan điểm là vì bối cảnh tình hình thế giới, đặc biệt là khu vực Trung Đông, đã trở nên "hoàn toàn khác" sau ngày 7-10-2023 - thời điểm bùng phát xung đột Israel-Hamas. Theo Ngoại trưởng Đức, Saudi Arabia góp phần quan trọng bảo đảm an ninh cho Israel thông qua việc đánh chặn các tên lửa do lực lượng Houthi tại Yemen phóng vào Israel, đồng thời, Riyadh đóng góp vào việc ngăn chặn xung đột tại dải Gaza lan rộng ra khu vực. "Đức đã không phản đối Thổ Nhĩ Kỳ tham gia Sáng kiến Lá chắn bầu trời châu Âu (ESSI) do Berlin khởi xướng. Điều này có thể mở ra cơ hội cho hợp tác quân sự giữa Đức và Thổ Nhĩ Kỳ, trong đó có việc "bật đèn xanh" bán máy bay Eurofighter Typhoon cho Ankara... Tuy nhiên, cũng khó đoán được chính xác quyết định của Đức đối với việc xuất khẩu máy bay Eurofighter Typhoon do tình hình khu vực và quốc tế phức tạp", GS Ali Bakir nói với Forbes.

 VĨNH AN

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.