Sẽ có 100 vụ phóng vào quỹ đạo trong năm 2024

Đánh giá sự phát triển trong lĩnh vực không gian của Trung Quốc năm 2023, Sách Xanh cho biết, năm ngoái, nước này đã thực hiện 67 sứ mệnh phóng vào không gian, đứng thứ hai trên thế giới, đồng thời đưa 221 tàu vũ trụ vào không gian. Trong đó, tên lửa đẩy Trường Chinh đã phóng thành công 47 lần với tỷ lệ thành công 100%.

“Năm 2024, Trung Quốc sẽ chứng kiến những cột mốc quan trọng trong lĩnh vực không gian với khoảng 100 vụ phóng, đưa hơn 300 tàu vũ trụ vào không gian. Đây sẽ là kỷ lục mới nhằm đẩy nhanh việc kết nối và xây dựng nhiều chòm sao vệ tinh ở nước này”, CASC cho biết.

Trong số 100 vụ phóng tên lửa, khoảng 70 vụ phóng sẽ được thực hiện bởi CASC, số còn lại là các dự án tên lửa thương mại. Các sứ mệnh không gian lớn trong năm nay sẽ bao gồm 2 chuyến bay có phi hành đoàn và 2 chuyến bay chở hàng tới Trạm vũ trụ Thiên Cung trên quỹ đạo Trái đất thấp. CASC cũng sẽ phóng vệ tinh chuyển tiếp Thước Kiều-2 và tiến hành sứ mệnh Hằng Nga-6 thực hiện nhiệm vụ lấy mẫu vật ở cực Nam vùng tối của Mặt trăng và đưa trở về Trái đất. Điều này sẽ giúp Trung Quốc thúc đẩy tham vọng lên Mặt trăng của mình. Jonathan McDowell, nhà thiên văn học tại Trường Đại học Harvard (Mỹ), người theo dõi các vụ phóng tên lửa và các hoạt động không gian, cho biết ông quan tâm nhất đến sứ mệnh Hằng Nga-6 dự kiến cất cánh vào tháng 5 tới.

Ngoài ra, Trung Quốc cũng sẽ phóng các vệ tinh phục vụ mục đích dân sự, như vệ tinh đo độ mặn đại dương, vệ tinh giám sát điện từ 02 và vệ tinh thiên văn Trung-Pháp (SVOM), cũng như đẩy nhanh tiến độ xây dựng hệ thống vệ tinh viễn thám thế hệ mới của CASC.

leftcenterrightdel
Người dân theo dõi vụ phóng tên lửa nhiên liệu rắn Gravity-1 từ vùng biển ngoài khơi thành phố Hải Dương, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc ngày 11-1 vừa qua. 

Kế hoạch thương mại

Mặc dù Sách Xanh không nêu chi tiết kế hoạch thương mại nhưng những tuyên bố trước đây tiết lộ một số công ty thương mại Trung Quốc đang chạy đua phát triển và thử nghiệm các phương tiện phóng có thể tái sử dụng.

Cụ thể, công ty vũ trụ Landspace đặt mục tiêu phóng 3 tên lửa Chu Tước 2 trong năm nay, sau 2 vụ phóng thành công hồi năm ngoái. Trong khi đó, công ty Galactic Energy lên kế hoạch thực hiện ít nhất 10 vụ phóng tên lửa đẩy Cốc Thần Tinh-1, đồng thời ra mắt tên lửa Pallas 1 có thể tái sử dụng. Công ty Space Pioneer đặt mục tiêu thực hiện chuyến bay đầu tiên của Thiên Long 3 vào khoảng tháng 7-2024, trong khi tên lửa tái sử dụng trên quỹ đạo Nebula-1 của công ty Deep Blue Aerospace có thể được phóng vào nửa cuối năm nay.

Trong khi đó, một loạt tỉnh và thành phố của Trung Quốc đang tìm cách phát triển không gian thương mại của riêng mình cũng như các công nghệ chiến lược và cao cấp khác. Bắc Kinh và Thượng Hải gần đây đã công bố kế hoạch hành động để hỗ trợ hệ sinh thái không gian thương mại.

Sách Xanh nhấn mạnh, năm 2024 đánh dấu kỷ niệm 75 năm thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, là năm bản lề quán triệt thực hiện tinh thần của Đại hội XX Đảng Cộng sản Trung Quốc, các mục tiêu, nhiệm vụ của Kế hoạch 5 năm lần thứ 14 (2021-2025) và đẩy nhanh việc xây dựng cường quốc không gian. Do vậy, CASC sẽ duy trì nhiệm vụ nghiên cứu và phát triển với cường độ cao, thúc đẩy toàn diện các chương trình thám hiểm đưa người lên Mặt trăng, thăm dò không gian sâu, phát triển hơn 200 tàu vũ trụ bao gồm cả tàu vũ trụ có người lái gần Trái đất thế hệ mới, tàu thăm dò Mặt trăng Hằng Nga-7, tàu thăm dò liên hành tinh Thiên Vấn-2 và các vệ tinh thăm dò vi sóng quỹ đạo địa tĩnh, triển khai sản xuất hơn 230 tên lửa đẩy, thực hiện nhiều hợp đồng hàng không vũ trụ thương mại và thỏa thuận xuất khẩu vệ tinh...

BÌNH NGUYÊN

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.