Họ gần như không có gì để ăn, thi thoảng cũng chỉ có mấy củ khoai tây luộc. “Mọi thứ đều trở nên đáng sợ đối với chúng tôi. Tình hình ngày càng tồi tệ hơn. Hiện, chúng tôi đang sống nhờ vào những bữa ăn miễn phí được đưa đến hai ngày một lần”, bà Kurdi chia sẻ với Tân Hoa xã mới đây. Hoàn cảnh bi đát không kém, ông Mohammed Ibrahim Hindawi, một người khuyết tật ở Aleppo cho biết, ngày nào cũng phải suy nghĩ làm sao để kiếm được miếng ăn cho bản thân và các con.

Theo Văn phòng điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA), cho đến nay, xung đột đã cướp đi sinh mạng của hơn 231.000 người dân Syria, khiến khoảng 14 triệu người phải rời bỏ nhà cửa. Tình hình tại Syria được nhìn nhận đang có chiều hướng xấu đi trên hầu hết các lĩnh vực và có nguy cơ vượt ngoài tầm kiểm soát. Trong khi giao tranh vẫn tiếp diễn giữa lực lượng Chính phủ Syria và các nhóm nổi dậy, tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng cũng gia tăng số vụ tấn công cả về quy mô và mức độ tàn bạo, nhất là tại các khu vực miền Trung và Đông Bắc Syria.

leftcenterrightdel
Bà Hadia Kamel Kurdi cùng hai con nhỏ bên trong căn nhà tại thành phố Aleppo. Ảnh: Tân Hoa xã 

Liên hợp quốc cho biết, Syria đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng nhân đạo ngày càng trầm trọng. Một báo cáo của Liên hợp quốc dự báo có tới 16,7 triệu người dân Syria (chiếm khoảng 75% dân số) cần viện trợ nhân đạo trong năm nay. Đây là số liệu cao nhất kể từ khi chiến sự nổ ra tại quốc gia Trung Đông này cách đây 13 năm. “Các biện pháp trừng phạt của Mỹ cũng gây ra những khó khăn dễ thấy đối với người dân Syria, ví dụ như sự suy giảm an ninh lương thực đã ảnh hưởng tới hầu hết người dân....Cho dù con đường phục hồi của Syria có nhiều chông gai đi chăng nữa thì vẫn rất cần có những hành động cấp bách cả trong và ngoài nước”, chuyên gia kinh tế Hayam Ali tại thủ đô Damascus nhấn mạnh với Tân Hoa xã.

VĨNH AN

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Đối ngoại quốc phòng xem các tin, bài liên quan.