Anh Mohammed Ibrahim Hindawi từng là một thợ may lành nghề và là cha của 6 đứa con, đã bị sa thải sau khi bị chấn thương trong vụ nổ ở Quảng trường Saadallah al-Jabiri tại thành phố Aleppo năm 2012. Do đó, anh phải dựa vào viện trợ để chống đói. Tuy nhiên, khi nguồn hỗ trợ bị cắt đứt, anh Hindawi phải đối mặt với một vấn đề nan giải là làm thế nào để nuôi sống bản thân và các con. Người đàn ông này hiện làm công việc may vá đơn giản và đã có 3 đứa con phải nghỉ học để đi làm phụ giúp gia đình. Thu nhập hằng tháng của gia đình anh Hindawi là 135 USD. Số tiền này ít hơn tiền chi tiêu cho các nhu cầu thiết yếu của họ. Chi phí mua thực phẩm, tiền thuê nhà và mua thuốc cho anh Hindawi và người vợ là bệnh nhân ung thư lên tới 345 USD. Anh Hindawi chia sẻ với Tân Hoa xã: “Chúng tôi hy vọng viện trợ sẽ quay trở lại”.

leftcenterrightdel

Cô Hadia Kamel Kurdi và các con của mình. Ảnh: Tân Hoa xã 

Cô Hadia Kamel Kurdi, một bà mẹ 5 con, từng nhận được hộp thực phẩm viện trợ hằng tháng từ WFP. Chiếc hộp cung cấp những mặt hàng thiết yếu cho gia đình, bao gồm gạo, đậu, mì, dầu ăn, muối và đường... Giờ đây, khi viện trợ bị cắt, cô Kurdi phải vật lộn để trang trải ngay cả những nhu cầu cơ bản nhất. Các con cô buộc phải làm việc để kiếm thêm thu nhập cho gia đình. Chồng và các con cô kiếm được khoảng 87 USD mỗi tháng. Số tiền này không đủ để trang trải tiền thuê nhà và tiền điện.

Tình trạng khó khăn của người dân Syria xảy ra sau khi WFP tuyên bố vào tháng 12-2023 rằng sẽ dừng chương trình hỗ trợ lương thực chung trên khắp Syria kể từ đầu năm 2024 do thiếu kinh phí. Điều đó khiến cuộc sống của người dân Syria càng thêm chật vật hơn trong bối cảnh nước này đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế. Trong một cuộc phỏng vấn gần đây, ông Kenn Crossley, đại diện WFP tại Syria, nhấn mạnh sự cần thiết của việc duy trì viện trợ, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế cùng nhau hỗ trợ những người gặp khó khăn.

TÚ ANH

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.