Nhân viên của hai cơ quan này nhiều tháng nay không còn giao tiếp với nhau, trong khi hai vị chủ tịch liên tục né tránh hoặc “cấm cản” nhau trong các cuộc gặp gỡ với giới chức sắc nước ngoài, tờ Politico cho hay.

Sự rạn nứt này không chỉ tác động đến chương trình nghị sự và hoạt động lập pháp của EU mà còn đe dọa làm suy giảm vị thế của EU trên chính trường quốc tế. Một trong những sự kiện thu hút sự chú ý của dư luận thế giới là kế hoạch gặp gỡ giữa ông Michel và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Indonesia.

leftcenterrightdel
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula Von der Leyen (phải), Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan (giữa) và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel. Ảnh: Reuters

Đây được đánh giá là một cuộc gặp quan trọng, trong bối cảnh nội bộ EU còn nhiều chia rẽ về cách thức ứng xử với Bắc Kinh. Song, bà von der Leyen không được mời tham dự cuộc gặp này. Nguyên nhân được cho là do bà từng từ chối mời ông Michel cùng tham dự cuộc gặp Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) ở Đức hồi tháng 6. 

Sự cạnh tranh căng thẳng giữa EC và Hội đồng châu Âu từ lâu đã là một thách thức của EU, bắt nguồn từ cấu trúc cố hữu trong hệ thống chính trị của khối này.

EC là cơ quan hành pháp của khối, có khả năng đề xuất luật, khiến người đứng đầu EC đóng vai trò trung tâm trong hầu hết mọi sáng kiến của EU. Còn Hội đồng châu Âu là nơi những nguyên thủ quốc gia hoặc các chính phủ thành viên EU họp để thông qua các đề xuất, biến chúng thành đạo luật.

Chủ tịch hội đồng đóng vai trò điều phối, điều tiết cuộc tranh luận giữa những người ra quyết định, bởi thế vị trí này được cho là nắm giữ quyền lực thực sự của khối. Bên cạnh đó còn có Nghị viện châu Âu, với một vị chủ tịch riêng, là trung tâm quyền lực thứ 3 của EU, song vai trò của nó hoàn toàn rõ ràng và tách biệt. Éo le thay, bà von der Leyen và ông Michel nắm giữ hai vai trò trong cùng các lĩnh vực có trách nhiệm chồng chéo. Kết quả là sự tồn tại đầy bối rối của câu hỏi muôn thuở: Bạn phải gặp ai khi cần đối thoại với EU?

Ngược lại thời điểm năm 2019, khi bà von der Leyen và ông Michel được lựa chọn làm người đứng đầu hai thể chế quyền lực nhất EU. Bà von der Leyen, một cựu Bộ trưởng Quốc phòng trong chính phủ của Thủ tướng Đức Angela Merkel, đã dành phần lớn sự nghiệp tham gia hoạt động chính trị trong nước.

Ông Michel, cựu Thủ tướng Bỉ, xuất thân từ một gia đình nổi tiếng có truyền thống làm chính trị, từng tham dự các cuộc họp tại Hội đồng châu Âu với tư cách là người đứng đầu nước Bỉ. Bà von der Leyen, một bác sĩ y khoa, mẹ của 7 người con, là người có đầu óc phân tích và khả năng kiểm soát tỉ mỉ. Còn ông Michel là một nhà lãnh đạo chỉn chu, lịch thiệp, tính cách có xu hướng lãng mạn. 

Một quan chức EU cho hay: “Quá trình làm việc cũng có vài trục trặc không đáng kể. Thời gian đầu, ban thư ký của Hội đồng châu Âu đã lên lịch họp chiều thứ hai hằng tuần giữa ông Michel và bà von der Leyen”. Căng thẳng được cho là bắt đầu vào tháng 4 năm ngoái, khi hai nhà lãnh đạo EU cùng tới Thổ Nhĩ Kỳ gặp Tổng thống nước này Recep Tayyip Erdogan.

Camera đã “chộp” được phản ứng sốc của bà von der Leyen khi ông Michel nhanh chóng giành lấy chiếc ghế duy nhất bên cạnh Tổng thống Erdogan, khiến bà đành phải ngồi xuống chiếc ghế đối diện với Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ. Chủ tịch EC, người phụ nữ đầu tiên đảm nhận vị trí này, sau đó đã phàn nàn với lãnh đạo Nghị viện châu Âu, rằng bà “bị tổn thương” trước sự hắt hủi và phân biệt giới tính của ông Michel.

Với tên gọi “Sofagate”, vụ bê bối đã lan truyền trên toàn cầu cùng những lời chỉ trích lẫn nhau giữa hai quan chức hàng đầu EU, kéo theo sự tụt dốc nhanh chóng trong mối quan hệ hai bên. Trên thực tế, nó đã tác động tiêu cực đến hoạt động chung của khối.

Nhiều tháng nay, EC và Hội đồng châu Âu không tổ chức các cuộc họp chung về các vấn đề của EU, ngay cả khi khối này đang phải đối mặt với những khó khăn kinh tế ngày càng gia tăng. Mỗi bên đều phải thông qua các trung gian để nắm được ý định của bên kia.

Trong thời kỳ đại dịch, khi Chánh văn phòng Bjoern Seibert của bà von der Leyen và một ủy viên EU cần điện đàm với một quan chức cấp cao của Mỹ, họ đã quyết định đi đến ngoại ô Brussels (Bỉ) để sử dụng đường dây an toàn trong trụ sở NATO, thay vì tận dụng cơ sở của Hội đồng châu Âu ở ngay đối diện bên kia đường.

Chứng kiến những hành động “ăn miếng trả miếng” giữa hai bên, cũng như lo lắng trước sự rạn nứt trong nội bộ EU, nhiều quan chức khối này phải thốt lên, “cả hai bên đều phải chịu trách nhiệm... Đối mặt với các cuộc khủng hoảng, EU cần phải xích lại gần nhau. Họ đâu phải trẻ con”.

HÀ PHƯƠNG