Cách trụ sở Ủy ban châu Âu (EC) tại thủ đô Brussels (Bỉ) chỉ vài ki-lô-mét, hàng chục người di cư, cả người lớn và trẻ em ngủ vạ vật trên vỉa hè đường phố hằng đêm, chờ đợi cơ hội nộp đơn xin tị nạn.
"Người ta không cho tôi ngủ trước cửa hiệu của họ, vì vậy mỗi đêm, vị trí của tôi lại thay đổi... Tôi không có chỗ ở cố định, không có thức ăn, không được tiếp cận với dịch vụ y tế”, anh Sabahoon 21 tuổi, một người di cư từ Afghanistan đến Bỉ một tháng trước, nói với phóng viên tờ Politico.
 |
Người di cư chờ đợi ở lối vào Cơ quan Liên bang về tiếp nhận người xin tị nạn (FEDASIL) tại trung tâm Petit Chateau, Brussels (Bỉ), ngày 25-7. Ảnh: Belga News Agency |
Tình cảnh tuyệt vọng mà Sabahoon phải đối mặt trên đường phố Brussels phản ánh một cuộc khủng hoảng đang lan rộng, song dường như lại chưa thu hút được sự chú ý đúng mực của các nước EU. Số người di cư tới EU đã gia tăng trong năm nay, đạt mức cao kỷ lục kể từ cuộc khủng hoảng di cư năm 2015. Tại Tây Âu, hệ thống xử lý vấn đề người di cư bắt đầu quá tải.
“Áp lực đè nặng, song chỉ đối với một số ít thành viên EU”, theo Quốc vụ khanh phụ trách tị nạn và di cư Bỉ Nicole de Moor, một trong những nhân vật chủ chốt đang nỗ lực thúc đẩy hành động của châu Âu. Tại Áo, nếu tiếp tục xu hướng như hiện nay, số lượng đơn xin tị nạn mà nước này tiếp nhận tương đương với thời kỳ đỉnh điểm khủng hoảng di cư năm 2015. Chính phủ Áo đã phải dựng lều ở tạm cho người di cư trong bối cảnh thiếu chỗ ở trầm trọng, cho dù hành động này bị các tổ chức phi chính phủ (NGO) lên án là “thiếu nhân văn” và “hoàn toàn có thể tránh được”.
Vậy nhưng, tình trạng báo động về khủng hoảng di cư lại rất ít được đề cập tới trong các cuộc tranh luận chính thống của chính phủ các nước EU trong năm 2022. Thay vào đó, họ dốc sự chú ý vào cuộc chiến năng lượng, suy thoái kinh tế do tác động của đại dịch Covid-19 và chiến sự Ukraine. Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo đã phải thốt lên: “Chúng ta đang ở trong một cuộc khủng hoảng người di cư, nhưng người ta ít chú ý đến nó vì mải chú ý đến khủng hoảng năng lượng, khủng hoảng lương thực...”.
Bên cạnh đó, có thể còn một lý do khác khiến vấn đề di cư ít được chú ý. Đó là kể từ cuộc khủng hoảng di cư năm 2015, dưới áp lực của các đảng cánh hữu vốn mang nặng tư tưởng chống nhập cư, nhiều nước EU đã siết chặt các quy định về tị nạn và nhập cư. Người di cư có xu hướng tập trung vào một số ít quốc gia Tây Âu, bởi một số nước Bắc Âu, ví dụ như Đan Mạch, đã ráo riết thực hiện các biện pháp ngăn chặn người di cư.
Copenhagen, trước đây vốn là một lựa chọn phổ biến cho người di cư, thì nay đã công bố chính sách không tiếp nhận người tị nạn và người di cư. Năm ngoái, chỉ có 2.099 đơn xin tị nạn ở nước này, so với con số 21.315 đơn vào năm 2015. Tại Thụy Điển, nơi bất kỳ chính sách nào của tân Thủ tướng Ulf Kristersson cũng phải được sự ủng hộ của Đảng Dân chủ Thụy Điển cực hữu, cũng đang lên kế hoạch cắt giảm số lượng người nhập cư vào nước này.
Những chính sách cứng rắn, cộng thêm việc hủy bỏ tiếp nhận người di cư trong thời kỳ đại dịch Covid-19, càng gây thêm áp lực lên hệ thống xử lý vấn đề người di cư cũng như nơi trú ngụ cho đối tượng này tại các nước EU còn lại.
Chuyên gia David Vogel của tổ chức NGO Bác sĩ không biên giới cho rằng, vấn đề không nằm ở chỗ gia tăng số lượng người di cư, mà là ở cách thức xử lý cuộc khủng hoảng di cư của các thành viên EU.
Tại Hà Lan, cái chết của một em bé 3 tháng tuổi tại một trung tâm tiếp nhận người di cư đã gây chấn động dư luận nước này. Mùa hè qua, Chính phủ Hà Lan đã đồng ý mở rộng thêm nơi ở tạm cho người di cư, song ở một số nơi, chính quyền địa phương vẫn từ chối tiếp nhận.
Dữ liệu do Cơ quan tị nạn EU vừa công bố cho thấy, trong tháng 7, số đơn xin tị nạn tại EU đạt hơn 70.000 trong tháng thứ ba liên tiếp. Một số nước EU thậm chí còn đưa ra những con số lớn hơn, trong đó, người tị nạn từ Ukraine ước tính lên tới 4,3 triệu người.
Có thể nói, nội bộ EU còn nhiều chia rẽ trong cách thức xử lý vấn đề người di cư. Nhiều thành viên EU ngày càng siết chặt chính sách, số khác, nhất là những quốc gia cửa ngõ tiếp nhận người di cư như Italy, Síp, Hy Lạp, Malta, Tây Ban Nha muốn áp đặt hạn ngạch phân bổ người di cư, trong khi Hungary, Ba Lan, Áo... lại kiên quyết phản đối bất kỳ hình thức áp đặt hạn ngạch nào.
Không loại trừ sự dùng dằng và bất đồng về chính sách này có thể đẩy EU rơi vào tình trạng khẩn cấp toàn diện. Bà de Moor tuyên bố: “Một khi chúng ta thất bại trong việc cải cách chính sách ứng phó với cuộc khủng hoảng di cư, tôi sẽ rất bi quan về tương lai của EU”.
HÀ PHƯƠNG