Tính đến ngày 11-3, đã có hơn 2,5 triệu người Ukraine rời khỏi đất nước, theo Cao ủy Liên hợp quốc (LHQ) về người tị nạn. Trước đó, LHQ dự báo số người tị nạn từ Ukraine sẽ lên tới 4 triệu người vào tháng 7, song dựa trên tình hình thực tế, con số này sẽ phải điều chỉnh lên mức cao hơn. 

Các quốc gia tiếp giáp với Ukraine như Ba Lan, Slovakia, Romania, Hungary và Moldova đang căng mình với công tác cứu trợ người tị nạn. Nhưng khi chiến sự tại Ukraine đã bước sang tuần thứ 3 và chưa có dấu hiệu dừng lại, dòng người tị nạn không ngớt gia tăng, thì mọi việc dường như ngày càng trở nên khó khăn. 

 Người tị nạn Ukraine xếp hàng chờ vào nơi tạm trú tại trạm kiểm soát biên giới ở Medyka (Ba Lan) ngày 11-3.

Ở Ba Lan, hai thành phố lớn là Warsaw và Krakow của nước này đã thực sự ngột ngạt vì dòng người tị nạn. Tại Warsaw, trung tâm tiếp nhận người tị nạn lớn nhất thành phố gần như quá tải. Người tị nạn chiếm hơn 10% dân số thủ đô Ba Lan.

“Chúng tôi đang đối mặt với cuộc khủng hoảng di cư lớn nhất trong lịch sử châu Âu kể từ Chiến tranh thế giới thứ hai... Tình hình trở nên khó khăn hơn mỗi ngày", AP dẫn lời Thị trưởng Warsaw Rafal Trzaskowski.

Còn ở Krakow, chính quyền thành phố đã trích khoản tiền lớn từ quỹ cứu trợ khẩn cấp để cung cấp thức ăn cùng các nhu yếu phẩm và nơi trú ngụ cho người tị nạn. Với lượng lớn người tị nạn dồn tới liên tục, tình hình tại các ga tàu ở Krakow được mô tả là "bi thảm", theo một tổ chức phi chính phủ đang hoạt động cứu trợ tại đây.

Tại thị trấn Hrubieszow của Ba Lan giáp biên giới Ukraine, người đứng đầu thị trấn Marta Majewska cho biết đã dành toàn bộ ngân sách ứng phó khủng hoảng của địa phương và số tiền hỗ trợ từ cấp trên để vận hành một trung tâm tiếp nhận người tị nạn: "Tôi lo lắng nhất về hóa đơn tiền điện... Thị trấn không thể tiếp tục chống đỡ được nữa".

Thủ đô Bucharest của Romania đã xem xét việc biến các trung tâm hội nghị và trung tâm thi đấu trong nhà thành nơi cư trú cho người tị nạn. Hungary thì đang nghiên cứu để có thể dành các bảo tàng, đấu trường thể thao và các tòa nhà công cộng ở Budapest cho người tị nạn trú ngụ.

Chính phủ Hungary cũng đang trợ cấp cho những người thuê nhân công là người tị nạn để giúp họ trang trải chi phí ăn ở và đi lại. Tại Cộng hòa Czech, Thị trưởng Praha Zdenek Hrib đã kêu gọi bổ sung thêm ngân sách từ chính phủ để giúp tiếp nhận người tị nạn.

Làn sóng người tị nạn từ Ukraine cũng đang dần bao phủ nhiều bang của nước Đức. Ước tính mỗi ngày riêng Berlin đã tiếp nhận hàng chục nghìn người và dòng người tị nạn vẫn không ngừng đổ về. Ngày 11-3, Thị trưởng Berlin Franziska Giffey thông báo thành phố bắt đầu quá tải.

Thống kê cho thấy khoảng 2/3 người tị nạn Ukraine muốn tạm thời lưu trú ở Ba Lan với hy vọng chiến sự sớm kết thúc để có thể trở về. Số còn lại tới các nước láng giềng Hungary, Moldova, Romania và Slovakia, hoặc từ Ba Lan trung chuyển sang một số quốc gia châu Âu khác như Anh, Đức, Pháp... 

Mặc dù các cơ quan cứu trợ nhân đạo và người dân các nước sở tại đang nỗ lực để cung cấp thực phẩm, nước sạch, nơi ở, phương tiện đi lại cho những người tị nạn, song các nước chủ nhà có xu hướng trở nên mệt mỏi với những hoạt động nhân đạo một khi các hoạt động này có thể phải tiến hành trong thời gian dài. 

Châu Âu đối mặt với cuộc khủng hoảng người tị nạn Ukraine trong bối cảnh lục địa này vẫn đang chịu hậu quả của những làn sóng người di cư từ Syria và Afghanistan vào năm 2015-2016. Thời điểm đó, nhiều nước châu Âu đã áp dụng biện pháp đóng cửa để ngăn làn sóng người tị nạn tràn vào. Thụy Điển thậm chí còn đề xuất cấm các công ty thuê công dân không thuộc EU, nhằm bảo vệ thành quả kinh tế trước cuộc bầu cử quan trọng tại quốc gia này.

Trái ngược với năm 2015, khi 4/5 người di cư trưởng thành từ Syria và Afghanistan là nam giới, còn hiện tại đa số người tị nạn Ukraine là phụ nữ và trẻ em được các quốc gia châu Âu mở rộng cửa chào đón. 

Đối phó với cuộc khủng hoảng lần này, ngày 3-3, EU đã đồng ý cho phép người tị nạn Ukraine ở lại hợp pháp tại 27 quốc gia thành viên EU trong tối đa 3 năm. Với quyết định lịch sử chưa từng có này của EU, người tị nạn Ukraine sẽ được cấp giấy phép cư trú và quyền tiếp cận công việc, quyền được chăm sóc sức khỏe và giáo dục tại quốc gia EU mà họ dừng chân.

Tuy nhiên, mặt trái của cuộc di cư quy mô lớn của người tị nạn là có thể dẫn đến gánh nặng về kinh tế của nước sở tại, suy thoái môi trường do rác thải tích tụ, cùng bất ổn xã hội đi kèm với tỷ lệ tội phạm gia tăng. Không thể phủ nhận người tị nạn mang lại những tác động kinh tế tích cực cho các cộng đồng địa phương, song sự xuất hiện của người tị nạn dẫn đến sự cạnh tranh về việc làm với người dân sở tại.

Sự quá tải dòng người tị nạn cũng có thể dẫn đến sự suy yếu của cộng đồng dân cư địa phương. Đó là bài toán không dễ tìm lời giải mà các quốc gia EU đang phải đối mặt.

HÀ PHƯƠNG