Kết quả mới nhất trong vòng đàm phán trực tuyến đầu tiên có lẽ là việc hai bên nhất trí sẽ tổ chức các cuộc đàm phán trực tuyến hằng ngày. "Định dạng này tiết kiệm rất nhiều sức lực và phương tiện. Chúng tôi đang cố gắng làm hết sức mình để bảo đảm hoàn thành các nhiệm vụ do Tổng thống Vladimir Putin đặt ra và vì tương lai hòa bình của nước Nga", Trưởng phái đoàn Nga, Trợ lý Tổng thống Vladimir Medinsky tuyên bố.
 |
Chính quyền Kiev đã tuyên bố lệnh giới nghiêm từ 18 giờ ngày 15-3 đến 5 giờ ngày 17-3 (giờ địa phương). Ảnh: La Prensa Latina Media.
|
Cùng ngày, trang Ura.ru dẫn lời ông Aleksey Arestovich, cố vấn Chánh văn phòng Tổng thống Ukraine tuyên bố một thỏa thuận hòa bình giữa Moscow và Kiev có thể sẽ đạt được vào tháng 5 hoặc sớm hơn: “Tôi nghĩ rằng không muộn hơn tháng 5, tầm đầu tháng 5, chúng ta rất có thể sẽ đạt được thỏa thuận hòa bình và thậm chí có thể sớm hơn nhiều. Hãy xem, tôi đang đưa ra thời hạn cuối cùng”, ông Arestovich cho biết.
Cũng trong ngày 15-3, Hãng thông tấn RIA Novosti cho hay Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky thừa nhận Ukraine biết rõ rằng nước này sẽ không gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và đây là thực tế mà người Ukraine phải đối mặt. “Trong nhiều năm, chúng tôi đã nghe nói về những cánh cửa được cho là mở. Nhưng chúng tôi cũng nghe nói rằng chúng tôi không thể vào đó. Điều này là đúng, chúng tôi phải thừa nhận điều này,” ông Zelensky tuyên bố.
Đây quả là những tín hiệu tích cực có thể góp phần giảm nhiệt căng thẳng từ các bên, khiến các cuộc đàm phán Nga-Ukraine có thể đưa ra được những giải pháp ngoại giao nhằm chấm dứt cuộc xung đột hiện đã bước sang tuần thứ ba.
Tuy nhiên, trên thực tế, các cuộc xung đột trên mặt trận quân sự, ngoại giao, kinh tế liên quan đến chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine vẫn tiếp tục diễn ra trong ngày 15-3. TASS dẫn lời người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga, Thiếu tướng Igor Konashenkov cho biết, các lực lượng vũ trang (LLVT) Nga đã nắm quyền kiểm soát toàn bộ lãnh thổ tỉnh Kherson của Ukraine. Quân đội Nga đang triển khai các đợt tấn công mới nhắm vào thủ đô Kiev và các thành phố khác trên lãnh thổ Ukraine. Một ngày trước đó, các LLVT Nga đã phá hủy một kho đạn lớn ở nhà máy Antonov gần Kiev, thiết lập thành công một tuyến hành lang trên bộ nối Crimea với Donbass, tạo điều kiện cho LLVT Nga kết hợp với LLVT ở Crimea và Donetsk tiếp cận các thành phố cảng quan trọng của Ukraine dọc biển Azov. Ngoài ra, để đáp trả cuộc tấn công của LLVT Ukraine vào Donetsk, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga cho biết “LLVT Nga sẽ thực hiện các biện pháp nhanh chóng để vô hiệu hóa các doanh nghiệp thuộc tổ hợp công nghiệp-quân sự của Ukraine sản xuất, sửa chữa và khôi phục vũ khí mà những người theo chủ nghĩa dân tộc sử dụng để gây tội ác chiến tranh", đồng thời kêu gọi công dân Ukraine đang làm việc tại các doanh nghiệp này cũng như cư dân gần đó rời khỏi các khu vực tiềm ẩn nguy hiểm.
Cũng trong ngày 15-3, Thị trưởng Kiev Vitali Klitschko tuyên bố lệnh giới nghiêm sẽ được thực hiện tại thành phố này từ 18 giờ ngày 15-3 đến 5 giờ ngày 17-3 (giờ địa phương). Trước đó, Tổng thống Zelensky đã đệ trình lên Quốc hội Ukraine dự luật cho phép kéo dài lệnh thiết quân luật thêm 30 ngày kể từ ngày 26-3, khi lệnh thiết quân luật cũ hết hiệu lực.
Trên lĩnh vực ngoại giao, căng thẳng Nga và Slovakia tiếp tục nhen nhóm khi Bộ Ngoại giao Slovakia ngày 14-3 thông báo nước này đã quyết định trục xuất 3 nhân viên Đại sứ quán Nga dựa vào thông tin từ các cơ quan mật vụ và những người này sẽ phải rời khỏi Slovakia trong vòng 72 giờ. Phản ứng trước thông báo này, Interfax dẫn nguồn tin Bộ Ngoại giao Nga cho biết Moscow sẽ có động thái đáp trả việc trục xuất 3 nhà ngoại giao Nga khỏi Slovakia.
Trên lĩnh vực kinh tế, Liên minh châu Âu (EU) hôm 14-3 đã công bố gói trừng phạt thứ 4 nhằm vào hơn 600 công dân Nga. Bộ trưởng Bộ Tài chính Pháp Bruno Le Maire cho biết đây là “gói trừng phạt nhanh nhất, mạnh nhất từng được EU thông qua trong lịch sử”. Gói trừng phạt lần này cũng bao gồm kế hoạch cấm nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu trong lĩnh vực sắt thép, một lệnh cấm xuất khẩu hàng hóa xa xỉ trong đó có xe ô tô trị giá hơn 50.000 euro (55.000USD), một lệnh cấm đầu tư vào các công ty dầu mỏ và lĩnh vực năng lượng của Nga.
Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết Mỹ cùng với các đồng minh đã "hoàn toàn đè bẹp" nền kinh tế Nga bằng các lệnh trừng phạt nhằm đáp trả hoạt động quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine. "Trò chơi cuối cùng sẽ như thế nào là tùy thuộc vào Tổng thống Putin. Chúng tôi đã hoàn toàn bóp chết nền kinh tế của ông ấy. Chúng tôi đã cung cấp hỗ trợ quân sự và nhân đạo cho người Ukraine, cho họ cơ hội kháng cự lâu hơn nhiều so với dự định của nhà lãnh đạo Nga”, CNN dẫn tuyên bố của ông Psaki cho hay.
Các biện pháp trừng phạt của Mỹ và phương Tây đã chặn đứng mối liên hệ của Nga với thị trường tài chính toàn cầu và đóng băng gần một nửa trong số 640 tỷ USD dự trữ ngoại hối và vàng của nước này, gây ra cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất kể từ khi Liên Xô sụp đổ năm 1991. Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin ngày 14-3 đã ký sắc lệnh cấm xuất khẩu đường trắng, đường thô, lúa mỳ, lúa mạch đen, lúa mạch và ngô cho đến tháng 7, nhằm duy trì và bảo đảm nguồn cung trong nước, giúp ổn định đời sống người dân Nga.
HÀ PHƯƠNG