Khi công bố dự thảo kế hoạch ngân sách năm 2026, Thủ tướng Bayrou đã cảnh báo nợ công hiện là “mối nguy hiểm chết người” đối với nước Pháp. Chỉ trong vòng 3 tháng, nợ công của Pháp đã phình to thêm 40,5 tỷ euro và chính thức vượt mức 3.300 tỷ euro vào cuối tháng 3 vừa qua, theo số liệu của Viện Thống kê và Nghiên cứu kinh tế quốc gia (INSEE). Với tỷ lệ nợ công trên GDP đạt 114%, Pháp hiện là nước có mức nợ công cao thứ ba trong Liên minh châu Âu (EU), chỉ sau Hy Lạp và Italy.

Thủ tướng François Bayrou và bà Catherine Vautrin, Bộ trưởng Lao động, Y tế, Đoàn kết và Gia đình của Pháp trình bày dự thảo kế hoạch ngân sách năm 2026 tại Paris. Ảnh: Le Monde 

“Cứ mỗi giây trôi qua, nợ công của Pháp lại tăng thêm 5.000 euro. Nước Pháp đang đứng trước nguy cơ rơi xuống vực thẳm của nợ nần”, Thủ tướng Bayrou cảnh báo. Theo ông, nợ công quá mức không chỉ là gánh nặng đối với các gia đình và doanh nghiệp mà còn đe dọa sự ổn định của quốc gia. Việc tiếp tục vay nợ để chi trả lương hưu hay lương công chức là “một ngõ cụt” và vấn đề này cần được xử lý trước khi vượt khỏi tầm kiểm soát. Bởi vậy, ông Bayrou đã vạch ra các chiến lược để đạt mục tiêu tiết kiệm 43,8 tỷ euro trong ngân sách năm 2026.

Kế hoạch mà ông đề xuất bao gồm tinh gọn bộ máy, giảm số lượng công chức, đóng cửa các cơ quan làm việc không hiệu quả, điều chỉnh một số loại ưu đãi thuế. Ngoài ra, ông cũng đề xuất bãi bỏ hai ngày lễ quốc gia như Thứ hai Phục sinh và ngày 8-5 - ngày kỷ niệm chiến thắng của quân Đồng minh trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Ông cho rằng xóa bỏ những ngày nghỉ lễ sẽ có tác động tích cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, giúp tăng năng suất. Ông cũng đề xuất đóng băng lương hưu và trợ cấp xã hội ở mức tương đương năm 2025 và giới hạn chi tiêu y tế. Với kế hoạch này, ông Bayrou nhắm mục tiêu giảm dần thâm hụt ngân sách xuống còn 5,4% GDP trong năm nay, 4,6% vào năm 2026 và dưới 3% vào năm 2029, để đáp ứng tiêu chuẩn mức trần thâm hụt ngân sách theo quy định của EU.

Dự thảo kế hoạch ngân sách của Thủ tướng Bayrou được nhà kinh tế học Charles Wyplosz đánh giá là can đảm và nhìn chung được xây dựng khá hợp lý. Ông Wyplosz ước tính việc cắt bỏ hai ngày nghỉ lễ có thể giúp tăng thu ngân sách thêm khoảng 4 tỷ euro.

Tuy nhiên, một số đảng đối lập, đặc biệt là cánh tả đã chỉ trích kế hoạch cắt giảm chi tiêu, cho rằng đây là “một đòn giáng mạnh vào tầng lớp lao động và người nghèo” khi coi nhẹ phúc lợi xã hội. Đảng cực hữu Tập hợp Quốc gia (RN) của bà Marine Le Pen cũng phản đối kế hoạch này với lý do Chính phủ Pháp đã đánh đổi an sinh xã hội để phục vụ các lợi ích toàn cầu hóa và lợi ích của EU. RN chỉ trích việc đặt các quy định của EU lên trên nhu cầu thiết yếu của công dân Pháp và cam kết sẽ chiến đấu chống lại bất kỳ kế hoạch cắt giảm phúc lợi xã hội nào.

Ngay cả trong hàng ngũ liên minh cầm quyền, một số nghị sĩ thuộc Đảng Phong trào Dân chủ (MoDem) của Thủ tướng Bayrou và Đảng Phục hưng của Tổng thống Emmanuel Macron cũng tỏ ra lo ngại trước việc cắt giảm mạnh chi tiêu cho lĩnh vực y tế.

Trong bối cảnh biểu đồ nợ công của Pháp ngày càng xấu, gây tâm lý lo ngại cho các nhà đầu tư, ảnh hưởng đến triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai Eurozone cũng như toàn khu vực, các chuyên gia cho rằng “thắt lưng buộc bụng” là bước đi cần thiết để Paris hiện thực hóa mục tiêu cân bằng ngân sách, ổn định nền kinh tế. Nhưng “trận chiến” ngân sách chắc chắn sẽ không dễ dàng với chính phủ thiểu số do Thủ tướng Bayrou dẫn đầu. Ông Bayrou sẽ phải thuyết phục được các đảng phái đối lập trong Quốc hội chấp nhận kế hoạch cắt giảm ngân sách. Nếu không, ông có thể đối mặt với nguy cơ bị lật đổ qua một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm-kịch bản từng khiến người tiền nhiệm của ông mất chức vào tháng 12 năm ngoái.

Bên cạnh đó, các chuyên gia nhận định những đề xuất như tinh giản biên chế khu vực công, xóa bỏ ngày nghỉ lễ, cắt giảm trợ cấp... sẽ khó nhận được sự ủng hộ của cử tri Pháp, thậm chí có thể gây ra làn sóng biểu tình phản đối gay gắt. Theo BBC, việc đột ngột xóa bỏ hai ngày nghỉ lễ do luật pháp quy định không phải là một quyết định dễ dàng. Người lao động sẽ phản ứng khi phải làm thêm hai ngày mỗi năm mà không được tăng lương. Đề xuất của Thủ tướng Bayrou cũng vì thế có nguy cơ vấp phải sự phản đối mạnh mẽ tại Quốc hội, nơi các nghị sĩ gần như chắc chắn sẽ dùng lá phiếu để phản ánh sự bất bình của cử tri Pháp.

BẢO CHÂU

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.