“Thật thất vọng vì dù chúng tôi có nỗ lực đến đâu thì rác thải cũng không biến mất”, công chức 30 tuổi này nói với phóng viên AFP trong khi vẫn thu dọn rác trên nhánh sông Pasig bốc mùi hôi thối chảy qua thủ đô Manila. Anh Narvas nhấn mạnh: “Nhưng chúng ta phải kiên trì… Ít nhất chúng ta cố gắng giảm số lượng rác thay vì để chúng tích lũy”.

Bà Nieves Denso là người thu mua vỏ hộp bột chocolate, cà phê, sữa, dầu gội và chất tẩy rửa ở khu ổ chuột ven sông Manila. Theo bà, người dân Philippines sử dụng rất nhiều túi nilon hay đồ nhựa dùng một lần. Người phụ nữ 63 tuổi này thường cho bọn trẻ con 10 peso để chúng đi nhặt rác thải nhựa bị vứt ven đường. Bà Denso lo ngại rằng, nếu rác thải nhựa bị gió cuốn trôi xuống sông thì tình trạng ô nhiễm sẽ càng nặng nề hơn.

Công việc thu gom rác thải kém, thiếu bãi chôn lấp và nhà máy tái chế, cùng tình trạng nghèo đói được cho là nguyên nhân khiến vấn đề ô nhiễm nhựa ngày càng gia tăng ở Philippines. Theo số liệu từ Bộ Tài nguyên và Môi trường Philippines, quốc gia này thải ra 61.000 tấn rác thải mỗi ngày, 24% trong số đó là rác thải nhựa.

leftcenterrightdel

 Rác ứ đọng trên sông ở Bulacan của Philippines ngày 1-4-2024. Ảnh: AFP

Một nghiên cứu của tổ chức phi chính phủ Ocean Cleanup được thực hiện vào năm 2021 cho thấy, Philippines là quốc gia thải rác nhựa ra biển nhiều nhất thế giới; sông Pasig chảy vào Vịnh Manila của Philippines cũng là nơi ô nhiễm nhất thế giới.

Các biện pháp bảo vệ môi trường đã được áp dụng trong những năm gần đây, từ việc thành lập các trung tâm tái chế đến yêu cầu các công ty chịu trách nhiệm về rác thải nhựa của mình. Junu Shrestha, chuyên gia môi trường tại Ngân hàng Thế giới, khẳng định Philippines thực sự có những nỗ lực đáng khen ngợi. Tuy nhiên, Philippines cần có một lộ trình cụ thể để giải quyết vấn đề quản lý chất thải.

leftcenterrightdel
 Nhân viên thu gom rác dọc sông ở Paranaque, Manila, Philippines. Ảnh: AFP

Theo một nghiên cứu năm 2022 của Ngân hàng Thế giới, tại Manila, nơi có hơn 14 triệu người sinh sống, nhưng chỉ 60% rác thải được thu gom, phân loại và tái chế hằng ngày. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Philippines Toni Yulo-Loyzaga giải thích rằng, Philippines vẫn đang trong “giai đoạn sơ khai” về phân loại và tái chế rác thải. Nữ Bộ trưởng cũng thừa nhận việc sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần chưa thể chấm dứt ở quốc gia này.

TIẾN ĐẠT (theo AFP)

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.