Việc Israel và phong trào Hamas đạt được thỏa thuận ngừng bắn đã mở ra cánh cửa để những người phải di tản vì xung đột được trở về ngôi nhà của mình ở dải Gaza. Thế nhưng, trở lại Gaza, họ phải đối mặt với nỗi lo sợ và đau khổ thậm chí lớn hơn so với khi còn “nay đây mai đó”.
Theo Reuters, sau khi thỏa thuận ngừng bắn Israel-Hamas chính thức có hiệu lực, cô Manal Al-Harsh, 36 tuổi, trở lại khu phố ở phía Bắc thành phố Gaza, nhưng vẫn cảm thấy lo lắng cho sự an toàn của gia đình mình. Nỗi lo sợ cũng khiến họ khó ngủ mỗi khi màn đêm buông xuống. “Chúng tôi ở đây nhưng sợ chuột và mọi thứ xung quanh. Có cả chó nữa. Không còn nơi nào để chúng tôi ổn định cuộc sống... Thật khó khăn!”, Al-Harsh vừa kể vừa bước qua đống đổ nát một cách thận trọng.
Ngày trở lại Gaza, Al-Harsh phải dựng một chiếc lều tạm bợ từ những tấm chăn còn sót lại để làm nơi trú ẩn cho cô và các con, bởi ngôi nhà của họ đã bị phá hủy. “Chúng tôi sợ rằng ai đó có thể đến. Chúng tôi ngủ trong nỗi sợ hãi”, Al-Harsh nói.
 |
Cảnh tàn phá do xung đột tại Jabalia, Dải Gaza. Ảnh: THX/TTXVN |
Reuters cho biết, nhiều người trong số những người trở về Gaza đã phải đi bộ 20km hoặc hơn, dọc theo đường cao tốc ven biển phía Bắc. Hãng tin CNN dẫn lời một nhân chứng nói thêm rằng, hành trình của họ rất dài và khó khăn khi phải vượt qua những con đường bị phá hủy, bùn đất và đống đổ nát. Còn theo Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo (OCHA) của Liên hợp quốc, do phương tiện giao thông không có nhiều nên khoảng 1/3 số người trở về nhà ở Gaza phải đi bộ.
Sau 15 tháng diễn ra các cuộc giao tranh, phần lớn diện tích còn lại của thành phố Gaza hiện cũng đã trở thành đống đổ nát. Và giống như nhiều người khác, Al-Harsh phải đối mặt với sự bất ổn khi cố gắng cứu vãn những gì còn sót lại. Al-Harsh kể rằng cô và gia đình trở lại Gaza với hai bàn tay trắng và không có tiền để mua bất cứ thứ gì, trong khi cuộc sống ở đây quá đắt đỏ. Ngay cả việc cố gắng tìm kiếm quần áo còn sót lại cho bọn trẻ cũng là “nhiệm vụ tuyệt vọng”.
Thực tế, Al-Harsh đã nhặt được một số quần áo từ đống đổ nát nhưng chúng đều trong tình trạng tồi tệ. “Chúng rách hết rồi. Không còn gì tốt cả. Những gì chúng tôi làm, những gì chúng tôi lấy lại được chỉ là đá... Chết còn tốt hơn”, Al-Harsh nói, giọng nặng trĩu nỗi tuyệt vọng.
TRUNG DŨNG
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.
Ngày 28-1, hơn 300.000 người Palestine phải di dời đã trở về khu vực phía Bắc dải Gaza, một ngày sau khi quân đội Israel cho phép họ quay về.
Các nhà đàm phán từ Qatar, Ai Cập và Mỹ đang vận hành một trung tâm đặt tại Cairo để giám sát và bảo vệ lệnh ngừng bắn ở Dải Gaza, trong bối cảnh lo ngại về các hành vi vi phạm.