Chính vì vậy, Chính phủ nước này quyết định sẽ thích ứng với tình hình dịch bệnh bằng cách ban hành quy định làm việc mới, cho phép người lao động làm việc 4 ngày mỗi tuần, mỗi ngày 10 tiếng.

Theo Reuters, cụ thể, người lao động Bỉ có thể chọn làm việc tối đa 10 tiếng mỗi ngày để có thêm một ngày nghỉ mỗi tuần mà vẫn hưởng đủ lương, thay vì tối đa 8 tiếng và 5 ngày mỗi tuần như hiện tại. Ngoài ra, họ cũng có thể lựa chọn làm việc nhiều hơn trong một tuần nhất định và ít hơn trong tuần sau đó. Việc đưa ra quy định về thời gian làm việc mới là một phần trong nỗ lực tạo dựng môi trường lao động linh hoạt của Bỉ để quốc gia châu Âu này có thể đạt tỷ lệ lao động 80% vào năm 2023, tăng gần 9% so với mức 71,4% vào cuối năm 2021.

Hưởng ứng quy định mới, nhiều người dân Bỉ đánh giá tuần làm việc 4 ngày sẽ giúp người lao động thoải mái hơn và dễ dàng cân bằng giữa công việc và cuộc sống.“Tôi nghĩ rằng tạo ra sự linh hoạt cho người lao động thực sự là ý tưởng tuyệt vời để có thể quản lý cuộc sống. Người lao động sẽ có 3 ngày nghỉ cuối tuần và có thêm thời gian chăm sóc con cái”, nhạc sĩ 44 tuổi Amaury Massion chia sẻ.

Người lao động Bỉ sẽ có nhiều lựa chọn hơn khi tham gia thị trường lao động. Ảnh: d1softballnews.

Đối với nhiều người, hai ngày nghỉ là thời gian không đủ để nạp lại năng lượng sau một tuần làm việc căng thẳng. Có một số nghiên cứu cho thấy, khi làm việc 5 ngày một tuần, mọi người gặp khó khăn trong việc sắp xếp thời gian cho các hoạt động khác của cuộc sống. Điều đó khiến họ căng thẳng, mệt mỏi.

Ở chiều ngược lại, nhiều thử nghiệm chứng minh rằng tuần làm việc 4 ngày với 3 ngày nghỉ mang lại rất nhiều lợi ích như giảm ô nhiễm môi trường, cải thiện sức khỏe người lao động... Nói về hiệu quả của mô hình này, Iceland được coi là ví dụ điển hình. Với sự ủng hộ của Chính phủ Iceland và chính quyền Thủ đô Reykjavik, Hiệp hội Dân chủ bền vững (Alda) tại nước này và tổ chức tư vấn chính sách Autonomy của Anh đã thực hiện hai cuộc thử nghiệm giảm giờ làm trong giai đoạn 2015-2019.

Tham gia vào thử nghiệm có 2.500 người trưởng thành, chiếm khoảng 1% dân số trong độ tuổi lao động ở Iceland. Họ chỉ đi làm 4 ngày/tuần với tổng thời gian là 35-36 tiếng. Trong khi đó, mức thu nhập không giảm. Theo kết quả thử nghiệm, đời sống của người lao động được cải thiện đáng kể ở mọi khía cạnh. Người lao động chịu ít áp lực công việc hơn, có thời gian dành cho gia đình, bạn bè và những sở thích của bản thân. Trong khi đó, năng suất và tiến độ, hiệu quả làm việc vẫn được bảo đảm. Nhà nghiên cứu Gudmundur D.Haraldsson của Alda nhấn mạnh thử nghiệm rút ngắn tuần làm việc tại Iceland cho thấy ý tưởng làm việc ít hơn nhưng vẫn bảo đảm hiệu quả có thể thực hiện được trong thời đại này.

Giữa đại dịch Covid-19, xu hướng tuần làm việc 4 ngày đang ngày càng được quan tâm ở nhiều nơi trên thế giới. Theo CNBC, hiện đã có 30 công ty ở Mỹ và Canada đăng ký thử nghiệm mô hình làm việc này trong thời gian 6 tháng của năm nay, tập trung vào việc cho phép nhân viên làm việc ít giờ hơn nhưng vẫn hưởng lương như cũ. Một số chương trình thí điểm khác cũng sẽ được triển khai tại Anh, Australia và New Zealand trong thời gian tới.

Ngay cả ở Nhật Bản, nơi “nổi tiếng” nghiện việc, một vài doanh nghiệp cũng đã thử nghiệm hoặc triển khai mô hình làm ít ngày hơn. Hồi tháng 1 vừa qua, nhằm thúc đẩy sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống cho người lao động, Tập đoàn Panasonic đã cho nhân viên làm việc 4 ngày trong tuần.“Chúng tôi phải hỗ trợ hạnh phúc của nhân viên”, Giám đốc điều hành Panasonic Yuki Kusumi nói với các nhà đầu tư.

Tại Mỹ, công ty khởi nghiệp công nghệ Bolt gần đây thông báo sẽ chuyển vĩnh viễn sang mô hình làm việc 4 ngày mỗi tuần sau thời gian thử nghiệm. CEO Ryan Breslow, nhà sáng lập của Bolt nhận định, năng suất đã tăng lên, công việc được sắp xếp hợp lý và nhân viên luôn hạnh phúc. Trong bối cảnh khan hiếm nguồn nhân lực trên thị trường lao động, động thái của Panasonic và Bolt phù hợp với chiến lược của các công ty công nghệ trên thế giới nhằm thu hút nhân tài bằng cách giảm ngày làm việc.

Các cuộc thử nghiệm về tuần làm việc 4 ngày hầu hết nhận được kết quả tích cực. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng cần cẩn trọng trong việc áp dụng mô hình giảm ngày làm việc trên diện rộng để tránh tác động tiêu cực đến nền kinh tế.

LÂM ANH