Điều này làm ảnh hưởng xấu tới các nhà đầu tư, các cơ quan chức năng, xa hơn là ảnh hưởng tới quyết định của các nhà đầu tư vào Việt Nam trong tương lai. Về lâu dài, nó còn ảnh hưởng đến chính người lao động và nền kinh tế đất nước.

Nguyên nhân ngừng việc tập thể, tranh chấp lao động tại các địa phương được xác định chủ yếu do người lao động chưa đồng tình với thay đổi hình thức trả lương, nâng lương định kỳ của doanh nghiệp, trả thưởng thấp hơn so với năm trước. Một số cuộc còn khởi phát từ thái độ không đúng mực của quản lý với công nhân, doanh nghiệp đưa ra quy định chưa phù hợp, cứng nhắc với người lao động, chất lượng bữa ăn ca kém...

Lãnh đạo Công ty TNHH Viet Glory (Nghệ An) đối thoại với công nhân tại cổng công ty chiều 10-2. Ảnh: VnExpress.

Không thể phủ nhận rằng, hiện nay, nhiều doanh nghiệp khó khăn hơn vì phải xoay xở với những vấn đề phát sinh do dịch Covid-19. Vì thế phần nào ảnh hưởng tới những quyết định liên quan tới người lao động. Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng cần nhìn nhận thấy chính những công nhân nghèo mới là một trong những đối tượng chịu nhiều thiệt thòi nhất bởi Covid-19. Nhiều lao động không có tích lũy, lại liên tiếp chịu ảnh hưởng của dịch nên khó khăn, xoay xở với cuộc sống khi vật giá tăng từng ngày. Họ đã đồng cam cộng khổ với doanh nghiệp vào những lúc khó khăn bằng việc chấp nhận giảm lương, giảm giờ làm, nghỉ luân phiên, thực hiện 3 tại chỗ, không về quê đón Tết, tăng ca để đáp ứng tiến độ giao hàng... Nếu không quá bức xúc không phải công nhân nào cũng muốn ngừng việc, chuyển việc. Bất cứ ai đi làm cũng vì miếng cơm manh áo nên có lẽ họ chỉ không gắn bó với nơi làm đã quen thuộc vì điều kiện, hoàn cảnh bắt buộc. Khi tình hình sản xuất dần khôi phục, nên chăng doanh nghiệp cũng cần tính đến phương án chịu thiệt thòi một phần về lợi nhuận trong thời gian đầu để tăng phúc lợi, giảm gánh nặng cho công nhân.

Thực tế đã chứng minh, những doanh nghiệp quan tâm đến đời sống vật chất của công nhân, tạo ra các hoạt động văn hóa tinh thần thì những doanh nghiệp đó được người lao động gắn bó lâu dài. Công ty cổ phần Taekwang Vina (Khu công nghiệp Biên Hòa 2, tỉnh Bình Dương) là một ví dụ. Hoạt động công ty sau Tết đã sớm đi vào ổn định, tất cả công nhân đều trở lại đi làm đúng thời hạn. Được biết, từ lâu Taekwang Vina đã chú ý tới chăm lo đời sống cho người lao động bằng những việc làm thiết thực như mở trường mầm non cho con em công nhân, tổ chức các hoạt động cải thiện đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân... Kể cả khi có những biến động như dịch Covid-19, công ty vẫn không quên việc chăm lo đời sống cho người lao động. “Mấu chốt vấn đề là ở chỗ khi an sinh của người lao động được giải quyết, họ sẽ gắn bó với công ty”, ông Đinh Sỹ Phúc, Chủ tịch Công đoàn cơ sở công ty, chia sẻ.

 Khi quyền lợi, trách nhiệm của người lao động và người sử dụng lao động hài hòa, cân đối thì mối quan hệ này mới bền chặt, tránh được hiện tượng tranh chấp lao động, đình công hay nghỉ việc tập thể; người công nhân trong doanh nghiệp ấy yên tâm lao động sản xuất, tạo ra của cải vật chất nhiều hơn cho xã hội.

HIỀN VINH