Theo Reuters, ngày 14-6, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết, các hầm chứa tạm thời sẽ được xây dựng dọc theo biên giới với Ukraine nhằm giúp xuất khẩu ngũ cốc của Kiev và giải quyết cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu. “Tôi đang làm việc chặt chẽ với các đối tác châu Âu để đưa 20 triệu tấn ngũ cốc bị mắc kẹt trong các kho chứa ở Ukraine ra thị trường nhằm giúp hạ giá lương thực”, ông Biden phát biểu tại một hội nghị nghiệp đoàn ở thành phố Philadelphia.
Washington đã có kế hoạch đưa ngũ cốc ra khỏi Ukraine bằng đường sắt. Tuy nhiên, hệ thống đường sắt của Ukraine không cùng tiêu chuẩn với hệ thống đường sắt ở châu Âu. Vì vậy, ngũ cốc từ Ukraine phải được chuyển sang các chuyến tàu khác nhau ở biên giới. Do đó, các nước phương Tây xây dựng những hầm chứa tạm thời dọc theo biên giới với Ukraine, kể cả ở Ba Lan, để Kiev có thể vận chuyển ngũ cốc tới đây. Sau đó, những tàu chở hàng của châu Âu sẽ vận chuyển ngũ cốc từ các kho này ra biển và xuất khẩu ra các thị trường trên thế giới. Tuy nhiên, việc này sẽ mất nhiều thời gian.
Cùng ngày, Bộ Nông nghiệp Ukraine cho biết, các nước châu Âu đang xem xét cung cấp nhiều kho chứa tạm thời để bảo quản sản phẩm thu hoạch và bảo đảm nguồn cung ngũ cốc trong tương lai cho các thị trường thế giới. Theo Ukraine, cách tốt nhất để xuất khẩu ngũ cốc nhanh chóng trở lại là thông qua các chuyến hàng ở Biển Đen.
 |
Thu hoạch lúa mì trên cánh đồng ở thành phố Kharkov, Ukraine. Ảnh: Getty Images |
Ukraine là quốc gia xuất khẩu ngũ cốc lớn thứ tư thế giới. Bà Mariia Didukh, Giám đốc Diễn đàn Nông nghiệp quốc gia Ukraine cho biết, trước khi xung đột bùng phát, hơn 90% tổng lượng nông sản xuất khẩu của Ukraine được thực hiện bằng đường biển. Tuy nhiên, kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine và phong tỏa các cảng ở Biển Đen, các chuyến hàng ngũ cốc của Kiev đã bị đình trệ. Khoảng 84 tàu nước ngoài hiện đang mắc kẹt tại các cảng của Ukraine, trong số này có nhiều tàu chở ngũ cốc.
Trong bối cảnh có hơn 20 triệu tấn ngũ cốc đang tồn đọng trong các kho chứa trên khắp cả nước, giới chức Ukraine lo ngại rằng nước này phải đối mặt với tình trạng thiếu kho chứa cho vụ ngũ cốc mới. Mới đây, Thứ trưởng Ngoại giao Ukraine Dmytro Senik cho biết, nước này đã thiết lập hai tuyến xuất khẩu ngũ cốc qua Ba Lan và Romania. Ông thừa nhận những tuyến xuất khẩu trên dù không hoàn hảo vì có những điểm tắc nghẽn, song Ukraine đang cố gắng hết sức để đẩy mạnh xuất khẩu qua các tuyến đường này trong giai đoạn hiện nay. Ông Senik nói thêm rằng Kiev hiện đang đàm phán với các nước Baltic để thiết lập thêm hành lang thứ ba cho xuất khẩu lương thực.
Liên hợp quốc (LHQ) và Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang thúc đẩy việc nối lại hoạt động xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine. Trong những tuần qua, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres cố gắng làm trung gian cho “một thỏa thuận trọn gói” để nối lại hoạt động xuất khẩu ở Biển Đen của Ukraine cũng như hoạt động xuất khẩu thực phẩm, phân bón của Nga. Trong khi đó, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan thông báo có kế hoạch thảo luận với Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky về vấn đề bảo đảm xuất khẩu ngũ cốc an toàn từ Kiev. Trước đó, nhà lãnh đạo Nga tuyên bố sẵn sàng bảo đảm các tuyến vận chuyển ngũ cốc từ Ukraine không bị cản trở, nếu Kiev gỡ thủy lôi quanh các cảng và thu xếp xuất khẩu ngũ cốc qua các cảng Berdyansk và Mariupol do Moscow kiểm soát.
Nga và Ukraine chiếm gần 1/3 nguồn cung lúa mì toàn cầu. Trong khi Nga là nước xuất khẩu phân bón chủ chốt thì Ukraine là nước xuất khẩu ngô và dầu hướng dương lớn. Do đó, xung đột giữa hai nước đã gây ra cuộc khủng hoảng lương thực trên toàn cầu với giá ngũ cốc, dầu ăn, nhiên liệu và phân bón tăng vọt. Tổ chức Nông lương LHQ (FAO) cảnh báo, các nước nghèo phụ thuộc vào nhập khẩu lương thực từ Nga và Ukraine sẽ gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, giá cả các mặt hàng đắt đỏ làm gia tăng lạm phát trên diện rộng, gây trở ngại cho các nước trong quá trình phục hồi nền kinh tế sau đại dịch Covid-19.
LÂM ANH