Trung Quốc và Australia thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1972. Một năm sau, ông Gough Whitlam trở thành Thủ tướng Australia đầu tiên thăm chính thức Trung Quốc. Kể từ đó, quan hệ hai bên phát triển nhanh chóng, song cũng trải qua nhiều thăng trầm.

Đặc biệt, những năm gần đây, sóng gió đã nổi lên trong quan hệ song phương khi các chính phủ tiền nhiệm ở Australia cáo buộc Bắc Kinh “can thiệp” vào nội bộ chính trị của Canberra, “đánh cắp công nghệ” của nước này, hay coi sự phát triển nhanh chóng của Trung Quốc là “mối đe dọa an ninh”. Canberra thậm chí còn cấm tập đoàn công nghệ Trung Quốc Huawei triển khai mạng 5G tại Australia do những lo ngại an ninh chưa rõ ràng.

leftcenterrightdel

Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (bên phải) và Thủ tướng Australia Anthony Albanese trong cuộc gặp bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Bali (Indonesia), ngày 15-11-2022. Ảnh: Tân Hoa xã 

Theo China Daily, những hành động “thù địch” và cáo buộc “vô căn cứ” của Canberra - như Bắc Kinh tuyên bố - đã làm suy yếu quan hệ song phương, dẫn tới nhiều hoạt động trao đổi và dự án hợp tác của hai bên bị đình chỉ hoặc gián đoạn. Dĩ nhiên, bên chịu thiệt hại nặng nề hơn cả từ cơn thịnh nộ của Bắc Kinh vẫn là Canberra. Những lệnh trừng phạt thương mại chính thức, phi chính thức chồng lên nhau kể từ năm 2020 khiến các nhà xuất khẩu Australia thiệt hại 20 tỷ AUD (13 tỷ USD) mỗi năm. Trong đó, mức thuế chống bán phá giá lên tới 218% mà Trung Quốc áp cho rượu vang Australia đã khiến ngành này thiệt hại 1,2 tỷ AUD (771 triệu USD) mỗi năm.

Bất chấp căng thẳng thời gian qua, không thể phủ nhận những ràng buộc lợi ích to lớn trong quan hệ thương mại song phương. Theo số liệu của Chính phủ Australia, giữa biến động chính trị, giá trị hàng hóa và dịch vụ Australia xuất khẩu sang Trung Quốc đã tăng gần gấp đôi. Cụ thể, 8 tháng năm 2023, giá trị xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 125 tỷ USD, so với 71 tỷ USD cùng kỳ năm 2016.

Nhiều năm qua, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Australia, với kim ngạch song phương năm 2022 đạt 287 tỷ USD, chiếm 28% tổng kim ngạch ngoại thương của Australia. Cũng trong năm 2022, Trung Quốc nhập khẩu 65% trong số 1,1 tỷ tấn quặng sắt từ Australia.

Kể từ khi lên nắm quyền năm 2022, Thủ tướng Albanese đã nỗ lực sưởi ấm lại quan hệ với Trung Quốc - vốn tụt dốc không phanh dưới thời người tiền nhiệm Scott Morrison. Tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) ở Bali, Indonesia hồi năm ngoái, Australia và Trung Quốc có cuộc gặp cấp cao đầu tiên kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Song song với đó, Canberra tích cực điều chỉnh chính sách với Bắc Kinh và thực hiện các biện pháp tương đối hợp lý, linh hoạt để bình thường hóa quan hệ kinh tế, thương mại và giao lưu nhân dân.

Mới đây, hai bên tham gia các cuộc đàm phán hữu nghị trong khuôn khổ Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) để giải quyết tranh chấp và đạt được đồng thuận về một số vấn đề. Tháng trước, nhà báo Cheng Lei của Australia được trả tự do sau 3 năm bị giam giữ tại Trung Quốc. Đáp lại, Australia tuyên bố sẽ không hủy hợp đồng thuê cảng Darwin 99 năm của Tập đoàn Sơn Đông Landbridge (Trung Quốc), sự kiện khiến đồng minh Washington của Canberra lo ngại có thể khiến nước ngoài kiểm soát và do thám hoạt động quân sự tại Australia.

China Daily nhận định, mối quan hệ Trung Quốc - Australia có nhiều nền tảng gắn kết, trên cơ sở đó, hai bên có thể cùng nhau giải quyết các thách thức khu vực và toàn cầu. Chuyến thăm Trung Quốc của Thủ tướng Albanese là một động thái phá băng, song những hành động tiếp theo của hai bên mới quyết định kết quả cuối cùng. Nói cách khác, quan hệ Trung Quốc-Australia đã đóng băng trong một thời gian, do đó, sẽ cần có thời gian để đưa quan hệ song phương trở lại đúng quỹ đạo.

HÀ PHƯƠNG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.