Ngày 7-2, Reuters dẫn tuyên bố của Bộ Ngoại giao Saudi Arabia cho hay, quốc gia vùng Vịnh luôn khẳng định lập trường kiên định của mình về vấn đề Palestine. Theo đó, Riyadh đã nói rõ với Washington rằng nước này sẽ không có quan hệ ngoại giao với Tel Aviv trừ khi một nhà nước Palestine độc lập được thành lập và Israel ngừng các cuộc tấn công vào dải Gaza. “Saudi Arabia đã truyền đạt lập trường vững chắc của mình tới chính quyền Washington, rằng chúng tôi sẽ không có quan hệ ngoại giao với Israel trừ khi một nhà nước Palestine độc lập được công nhận trên đường biên giới năm 1967 với Đông Jerusalem là thủ đô và rằng hành động gây hấn của Israel đối với Gaza phải chấm dứt, Israel phải rút khỏi Gaza”, tuyên bố nhấn mạnh. Cũng trong tuyên bố này, Saudi Arabia kêu gọi các thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc “đẩy nhanh việc công nhận nhà nước Palestine để người dân Palestine có các quyền hợp pháp của mình và để đạt được một nền hòa bình toàn diện và công bằng cho tất cả mọi người”.

leftcenterrightdel
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman trong cuộc gặp tại Riyadh.Ảnh: Reuters 

Reuters nhận định, tuyên bố được đưa ra chỉ một ngày sau khi Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken có cuộc gặp với Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman ở Riyadh, có thể là một dấu hiệu cho thấy cuộc gặp diễn ra không mấy suôn sẻ. Bất chấp mọi lý lẽ thuyết phục mà Washington đưa ra, Riyadh vẫn coi việc ngừng bắn và Israel chấp nhận giải pháp hai nhà nước là điều kiện tiên quyết để bình thường hóa quan hệ Saudi Arabia-Israel.

Ông Blinken đang có chuyến công du chớp nhoáng lần thứ 5 tới khu vực Trung Đông chỉ trong vài tháng, nhằm mở đường cho một thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và Hamas, trong bối cảnh cuộc xung đột ở Gaza tiếp tục diễn biến khốc liệt.

Mỹ, Qatar và Ai Cập đang nỗ lực môi giới một thỏa thuận ngừng bắn bao gồm việc tạm dừng kéo dài giao tranh và trao đổi con tin. Trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Qatar Sheikh Mohammed bin Abdulrahman bin Jassim Al Thani hôm 6-2, ông Blinken cho biết phản ứng của Hamas đối với thỏa thuận do Mỹ, Qatar và Ai Cập làm trung gian đã được chia sẻ với các quan chức Israel. “Vẫn còn rất nhiều việc phải làm nhưng chúng tôi tin rằng có thể đạt được một thỏa thuận và nó thực sự cần thiết. Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc không ngừng để đạt được thỏa thuận đó”, nhà ngoại giao Mỹ cho biết.

Về phía mình, đại diện Hamas cho biết đã xem xét “thỏa thuận ngừng bắn toàn diện với tinh thần tích cực”, bao gồm các chi tiết về bảo đảm cứu trợ và nơi trú ẩn, tái thiết, dỡ bỏ cuộc bao vây kéo dài 17 năm của Israel khiến Gaza tê liệt, hoàn thành quá trình trao đổi tù nhân.

Trong khi đó, Văn phòng Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho biết phản ứng của Hamas đối với thỏa thuận này đang được các bên nghiên cứu. “Câu trả lời của Hamas đã được nhà trung gian hòa giải Qatar chuyển tới Mossad. Chi tiết của thỏa thuận đang được đánh giá kỹ lưỡng bởi các quan chức tham gia đàm phán”, Văn phòng Thủ tướng Israel dẫn tuyên bố từ Cơ quan Tình báo quốc gia Israel Mossad.

Theo một số nguồn tin thân cận, nếu đạt được, thỏa thuận ngừng bắn sẽ kéo dài ít nhất 40 ngày. Trong thời gian đó, Hamas sẽ trả tự do cho các con tin còn lại, bàn giao thi thể các con tin đã thiệt mạng, để đổi lấy việc Tel Aviv thả những người Palestine bị cầm tù ở Israel.

Vẫn chưa rõ liệu các nỗ lực hướng tới một thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza có đạt kết quả hay không. Liệu ông Blinken có thành công trong việc thuyết phục chính quyền Israel thay đổi lập trường cứng rắn trong cuộc xung đột ở Gaza? Câu trả lời có thể được hé mở sau các cuộc gặp riêng rẽ của Ngoại trưởng Mỹ với Thủ tướng Netanyahu, Tham mưu trưởng Lực lượng Phòng vệ Israel Herzi Halevi, Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant và Tổng thống Isaac Herzog trong chuyến công du lần này.

HÀ PHƯƠNG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.