Những tổng thống thoát hiểm trong gang tấc

Vụ ám sát hụt ông Andrew Jackson, Tổng thống thứ 7 của Mỹ, được cho là hành động đầu tiên nhằm giết một tổng thống đương nhiệm trong lịch sử nước Mỹ và động cơ thực sự của vụ án vẫn là một bí ẩn.

Ngày 30-1-1835, Tổng thống Andrew Jackson đến Đồi Capitol để viếng lễ tang của đại biểu Nam California, Warren R. Davis. Tên sát thủ Richard Lawrence nấp sau cột, chờ ông Jackson bước ra từ cổng phía đông. Tổng thống chỉ đứng cách tên sát nhân hơn 2m và Lawrence lôi khẩu súng được giấu sẵn trong người ra, hướng thẳng tổng thống mà bắn. Nhưng một điều may mắn là khẩu súng được bóp cò nhưng không nổ.

Trước sự hãi hùng của những người xung quanh, Lawrence rút ra khẩu súng thứ hai. Tổng thống Jackson quay cây ba toong của ông về phía tên sát nhân và nhào tới tấn công hắn. Dù vậy, tên sát nhân vẫn hướng khẩu súng về phía Jackson mà bóp cò. Điều kỳ diệu lại diễn ra, khẩu súng tiếp tục không nổ. Một sĩ quan Hải quân đứng gần đó đã hạ gục Lawrence và vụ ám sát đầu tiên trong lịch sử tổng thống Mỹ kết thúc thất bại.

Tổng thống Theodore Roosevelt trước khi bị ám sát. Ảnh: Ảnh: Thư viện Quốc hội Mỹ

Năm 1912, Tổng thống Theodore Roosevelt đã bị ám sát khi đang đứng trên chiếc xe đỗ bên ngoài khách sạn Gilpatrick, thành phố Milwaukee, bang Wisconsin, Mỹ. Vụ việc xảy ra vào khoảng 20 giờ ngày 14-10-1912. Trong lúc đứng trên chiếc xe mui trần, ông Roosevelt cầm mũ vẫy chào đám đông. Đột nhiên, một tia sáng từ khẩu súng lục ở khoảng cách 1,5m lóe lên, kèm theo là tiếng đạn nổ. Một người đi cùng ông Roosevelt lao tới vật lộn với kẻ nổ súng để ngăn hắn bóp cò lần hai.

Dù không có dấu hiệu chảy máu bên ngoài, Roosevelt vẫn sờ tay vào trong chiếc áo khoác và cảm thấy có một lỗ đạn cỡ như đồng xu nhỏ ở bên phải ngực của ông. Kết quả chụp X-quang sau vụ ám sát cho thấy, viên đạn găm vào xương sườn thứ 4 bên phải của ông Roosevelt, gần hướng vào tim. May mắn, lực tác động của viên đạn đã bị giảm đi rất nhiều do chiếc áo khoác dày, hộp đựng kính bằng thép và xấp giấy diễn thuyết để trong áo khoác của Tổng thống. Nhờ đó, ông Theodore Roosevelt đã thoát chết trong gang tấc.

Ngày 15-2-1933, khi vừa kết thúc bài phát biểu ở Bayfront Park, bang Miami, Tổng thống mới đắc cử Franklin D. Roosevelt đã bị một thợ làm gạch tên là Giuseppe Zangara nổ súng bắn ra 6 phát đạn. Tổng cộng có 5 người trúng đạn nhưng Tổng thống Roosevelt may mắn không gặp chấn thương. Tuy nhiên, Thị trưởng Chicago, ông Anton Cermak, người cũng có mặt lúc đó, đã bị đạn găm vào bụng.

Hành động quá khích của Zangara phản ánh sự tức giận và thất vọng của nhiều người lao động Mỹ trong thời kỳ Đại Khủng hoảng (1929-1939). Vào thời điểm xảy ra vụ nổ súng, ông Roosevelt vừa đắc cử và thậm chí còn chưa tuyên thệ nhậm chức. Các chính sách của ông vẫn chưa được kiểm chứng, nhưng tin tức về sự điềm tĩnh của Roosevelt trong vụ ám sát đã tràn ngập các tờ báo ngay trong ngày hôm sau. Chúng đã tác động rất tích cực đến việc nâng cao hình ảnh của ông Roosevelt như một nhà lãnh đạo kiên cường.

Năm 1950, do Nhà Trắng được sửa sang lại nên Tổng thống Harry Truman và gia đình đến sống tại Tòa nhà Blair nằm gần đó, trên Đại lộ Pennsylvania. Chiều 1-11-1950, ông Truman và vợ đang ở trên lầu thì bất ngờ nghe thấy tiếng huyên náo và tiếng súng nổ từ đằng trước ngôi nhà. Quả thực là cặp sát thủ đã đến sát cổng trước của Tòa nhà Blair và nổ súng nhưng nhờ phản ứng nhanh chóng của các cảnh vệ, cả hai sát thủ đã không thể đặt chân vào ngôi nhà.

 Tổng thống Gerald Ford đến thành phố Sacramento để dự lễ khánh thành Công viên Sacramento. Ảnh tư liệu

Ngày 5-9-1975, Tổng thống Gerald Ford đã thoát khỏi một vụ ám sát trong gang tấc. Hôm đó, Lynette “Squeaky” Fromme bước lại gần Tổng thống ở Sacramento, chĩa súng lục vào ông, nhưng lập tức bị một nhân viên mật vụ quật xuống đất.

17 ngày sau, vào ngày 22-9-1975, một người phụ nữ khác tên là Sara Jane Moore đã lặp lại âm mưu tương tự, ám sát Tổng thống Ford. Và lần này, súng của cô ta đã nổ. Tuy nhiên, ngay lúc cô ta bóp cò, một người đứng trong đám đông đã giật lấy khẩu súng, khiến viên đạn trượt mục tiêu.

Tổng thống Ronald Reagan từng trở thành mục tiêu ám sát. Theo tờ Guardian (Anh), ngày 30-3-1981, tên John Hinckley đã bắn tới 6 phát đạn chỉ trong 2 giây, khiến Tổng thống Ronald Reagan bị thương. Trong vụ việc này, Thư ký báo chí Nhà Trắng James Brady, cảnh sát viên Thomas Delahanty và nhân viên mật vụ Tim McCarthy bị trúng đạn. Ông James Brady bị thương nặng ở đầu và kể từ đó liệt một phần thân người. 

Kẻ xả súng vào ông Reagan, John Hinckley, phải nằm viện tâm thần hàng chục năm. Người này được trả tự do khỏi sự giám sát của tòa án vào năm 2022.

May mắn không mỉm cười với 4 tổng thống Mỹ

Tuy nhiên, vẫn có 4 tổng thống Mỹ thiệt mạng trong các vụ ám sát, chủ yếu bị bắn bởi súng.

Ngày 14-4-1865, Tổng thống Abraham Lincoln bị bắn chết từ khoảng cách gần khi đi xem vở kịch Our American Cousin. Kẻ chủ mưu được xác định là John Wilkes Booth, một diễn viên nổi tiếng người Mỹ bất mãn với bộ máy chính quyền. Booth bỏ trốn khỏi hiện trường và bị bắt, bị bắn vài tuần sau đó ở Virginia.

Ngày 2-7-1881, chỉ bốn tháng sau khi lên nắm quyền, Tổng thống James A. Garfield đã bị bắn khi ông đi qua một phòng chờ đường sắt ở Washington, DC. Kẻ tấn công ông là Charles J. Guiteau, một người đã không thành công trong nỗ lực để được để bổ nhiệm làm Lãnh sự Mỹ tại Paris. Tổng thống bị bắn ở phía sau lưng và cánh tay, và Guiteau đã bị bắt.

Tổng thống Garfield, trong cơn thập tử nhất sinh, được điều trị tại Washington và sau đó được đưa đến bờ biển ở Elberon, New Jersey, nơi ông đã cố gắng hồi phục cùng gia đình. Trong thời gian này, Phó tổng thống Chester A. Arthur đóng vai trò quyền tổng thống. Vào ngày 19-9-1881, sau 80 ngày, Tổng thống Garfield đã chết vì nhiễm trùng máu. Ngày hôm sau, ông Arthur được đưa lên làm tổng thống thứ 21 của Mỹ.

 Tổng thống thứ 25 của Mỹ, William McKinley. Ảnh tư liệu

Vụ ám sát William McKinley, tổng thống thứ 25 của Mỹ, xảy ra lúc 16 giờ 7 phút ngày 6-9-1901 tại Buffalo, New York. Tổng thống McKinley, khi đó đang tham dự một triển lãm, bị bắn hai phát vào bụng ở cự ly gần bằng một khẩu súng lục cỡ nòng 32 ly. Hung thủ được xác định là Leon Czolgosz.

Viên đạn đầu tiên mà Czolgosz bắn ra trúng vào cúc chống đạn hoặc huân chương trên áo khoác của McKinley và lọt vào tay áo của ông. Tuy nhiên, viên thứ hai trúng vào bụng. Tổng thống McKinley qua đời vào lúc 2 giờ 15 phút ngày 14-9-1901.

Tổng thống John F.Kennedy, Đệ nhất phu nhân Jacqueline và Thống đốc Texas John Connally trên xe ngày 22-11-1963 trước khi xảy ra vụ nổ súng. Ảnh: Time

Ngày 22-11-2023 đánh dấu 60 năm kể từ khi Tổng thống John F.Kennedy bị ám sát vào ngày 22-11-1963 tại thành phố Dallas thuộc bang Texas (Mỹ), ở tuổi 46. Theo tạp chí Time, ông Kennedy bị một cựu lính thủy đánh bộ tên Lee Harvey Oswald bắn khi đang ngồi trên ô tô cùng Đệ nhất phu nhân Jacqueline Kennedy và Thống đốc Texas John Connally. Hai ngày sau, vào ngày 24-11-1963, chủ hộp đêm địa phương tên Jack Ruby đã bắn chết Oswald.

PHƯƠNG LINH (theo CNN, Time, History.com)

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.