Roosevelt White III từng là tình nguyện viên cho một tổ chức cung cấp đồ ăn từ thiện và được nhiều người ở “The Zone”, khu lều tạm dành cho người vô gia cư tại trung tâm thành phố Phoenix, bang Arizona (Mỹ), biết đến. Nhưng cũng giống như rất nhiều người vô gia cư khác, White mắc bệnh tiểu đường và tim mạch. Thế rồi, trong một ngày oi bức của tháng 9, White bị đột tử và ra đi ở tuổi 36.

Những ngày này, tại nhiều cộng đồng dân cư trên khắp nước Mỹ, người ta đang tổ chức các lễ tưởng niệm hàng nghìn người thiệt mạng trong tình cảnh giống hệt White, nghĩa là chết khi không có một mái nhà để trú ngụ.

leftcenterrightdel

 Ngày càng có nhiều người Mỹ rơi vào tình trạng vô gia cư. Ảnh: Getty

Hãng tin AFP dẫn báo cáo mới nhất của Bộ Nhà ở và Phát triển đô thị Mỹ (HUD) cho biết, ngày càng có nhiều người Mỹ rơi vào tình trạng vô gia cư. Cụ thể, năm 2023, con số này đã lên tới khoảng 653.100 người, tăng 12% so với năm 2022 và là mức kỷ lục kể từ khi Chính phủ liên bang bắt đầu thu thập số liệu vào năm 2007. Mức tăng lớn nhất xảy ra ở nhóm người vô gia cư gốc Tây Ban Nha.

Trong khi đó, dù chỉ chiếm 13% tổng dân số Mỹ nhưng nhóm người Mỹ gốc Phi lại chiếm tới 37% số người vô gia cư tại nước này. Ngoài ra, số gia đình có trẻ em vô gia cư cũng tăng 16% trong năm 2023, đảo ngược xu hướng giảm trong khoảng 10 năm trước đó.

Báo cáo của HUD còn tiết lộ một thực tế đáng buồn khác: Trong tổng số 653.100 người vô gia cư tại xứ cờ hoa, cứ 10 người thì lại có 4 người đang phải trú ngụ ở “những nơi vốn không dành cho con người sinh sống”. Số liệu thống kê cho thấy, California là bang có dân số vô gia cư lớn nhất nước Mỹ, tiếp theo là các bang: New York, Florida, Washington, Texas và Oregon.

Các chuyên gia chỉ ra một số yếu tố thúc đẩy sự gia tăng số lượng người vô gia cư tại Mỹ, trong đó có tình trạng lạm phát, thiếu nhà ở, giá thuê nhà tăng cao, nghèo đói hay sức khỏe tâm thần. Lisa Glow, CEO của Công ty dịch vụ trú ẩn trung tâm bang Arizona cảnh báo rằng, nếu vẫn thiếu nhà ở và các dịch vụ cơ bản, những người vô gia cư tại Mỹ sẽ tiếp tục chết trên đường phố. DeBorah Gilbert White, Giám đốc phụ trách giáo dục cộng đồng tại Liên minh quốc gia vì người vô gia cư của Mỹ cho biết, trong bối cảnh dân số Mỹ đang già đi, ngày càng có nhiều người vô gia cư qua đời ở độ tuổi 60.

Đáng chú ý, trong đó có nhiều người mắc các căn bệnh mãn tính như tiểu đường mà không có đủ điều kiện để chữa trị. Người phát ngôn của Hội đồng chăm sóc sức khỏe quốc gia cho người vô gia cư Mỹ Etel Haxhiaj nhắc tới một thực tế khác, đó là rất nhiều người vô gia cư ở Mỹ đang phải sống trong các khu lều tạm bợ và không được tiếp cận với dịch vụ y tế khiến những căn bệnh mà họ mắc phải càng trở nên trầm trọng hơn.

Nghiện ma túy và rượu cũng được xác định là nguyên nhân phổ biến dẫn tới nhiều vụ tử vong trong cộng đồng người vô gia cư ở Mỹ, cùng với đó là tai nạn giao thông và các bệnh liên quan tới tim mạch như đau tim, đột tử... Càng đáng thương tâm hơn khi nhiều người vô gia cư bị gia đình ghẻ lạnh, khiến cái chết của họ hầu như chẳng được ai chú ý đến.

Khi các con số đã tới mức báo động, chưa rõ nước Mỹ sẽ xử lý cuộc khủng hoảng vô gia cư theo cách nào. Về phần mình, theo CBS News, Bộ trưởng HUD Marcia L.Fudge tự tin nói rằng, vấn đề vô gia cư có thể giải quyết được và không nên tồn tại ở Mỹ. Bà Fudge cũng nhấn mạnh, những số liệu nói trên cho thấy nhu cầu cấp thiết đối với việc ủng hộ những chiến lược và giải pháp đã được xác định nhằm giúp nhiều người dân ở xứ cờ hoa nhanh chóng thoát khỏi cảnh không nhà.

ANH VŨ

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.