Ibrahim Baraka, người làm việc nhiều năm tại bãi rác trên cho biết, ắc quy được tích tụ trong hơn 15 năm qua sau khi Israel áp đặt lệnh phong tỏa đối với vùng đất của người Palestine. Theo ông Baraka, Gaza có 2,3 triệu dân nhưng chỉ có một nhà máy điện.

 Người dân kiếm sống từ những đống ắc quy đã qua sử dụng. Ảnh: AFP

Trước đây, nhà máy này hoạt động phụ thuộc vào nhiên liệu được cấp. Do đó, tình trạng mất điện xảy ra thường xuyên ở Gaza. Năm 2006, xung đột giữa Israel và phong trào Hamas bùng phát, nhà máy điện ở Gaza bị trúng bom của quân đội Israel. Kể từ đó, ắc quy bắt đầu được sử dụng ở khu vực này. Đặc biệt, ắc quy được kết nối với những tấm pin mặt trời trên mái nhà để cung cấp điện sinh hoạt cho người dân.

Đến nay, khoảng 25.000 tấn ắc quy đã qua sử dụng đang được chất đống ở Gaza, chờ được tái chế. Ông Baraka lấy làm tiếc rằng ở Gaza không có đủ thiết bị cần thiết để tái chế ắc quy đã qua sử dụng, trong khi phía Israel không muốn thu gom chúng.

Mặc dù biết ắc quy đã qua sử dụng chứa thủy ngân và chì rất gây hại cho sức khỏe, nhưng vì cuộc sống mưu sinh, ông Baraka và nhóm của mình vẫn hằng ngày dùng tuốc-nơ-vít để cậy ắc quy lấy nhựa, sau đó bán lại cho các nhà máy. “Một cục ắc quy 16 amp đã qua sử dụng trị giá 5 shekel (1,37 euro) và một cục ắc quy 200 amp giá 50 shekel (13,7 euro)”, ông Baraka cho hay.

Theo Ahmed Hillis, Giám đốc Viện nghiên cứu quốc gia về môi trường và phát triển ở Gaza, người lao động khi tiếp xúc nhiều với ắc quy đã qua sử dụng sẽ có hại cho sức khỏe, thậm chí là bị ung thư. Do đó, ông Ahmed kêu gọi người dân khi thu gom các sản phẩm độc hại như ắc quy đã qua sử dụng cần chú ý tuân thủ quy tắc bảo đảm an toàn cho cá nhân cũng như môi trường.

PHƯƠNG LINH