Tại kỳ họp Đại hội đồng Môi trường Liên hợp quốc (LHQ) được tổ chức dưới hình thức trực tiếp lẫn trực tuyến tại Nairobi, Kenya vừa qua, gần 200 quốc gia tham dự đã nhất trí thành lập một ủy ban liên chính phủ để điều phối đàm phán và kỳ vọng đến năm 2024, hoàn thiện một hiệp định toàn cầu đầu tiên về rác thải nhựa.
Ủy ban trên sẽ cho phép thảo luận về những biện pháp ràng buộc hoặc tự nguyện, tạo cơ hội đàm phán về các mục tiêu và nghĩa vụ toàn cầu, phát triển các kế hoạch hành động quốc gia, các cơ chế theo dõi quá trình thực hiện và bảo đảm quy trách nhiệm đầy đủ.
“Đây là thời khắc lịch sử rất đáng tự hào. Ô nhiễm nhựa giống như một dịch bệnh và chúng ta sẽ bắt đầu chữa trị nó”, CNN dẫn lời Chủ tịch Đại hội đồng Môi trường LHQ Espen Barthe Eide nhấn mạnh.
 |
Nhiều bãi biển trên thế giới đang bị bủa vây bởi rác thải nhựa. Ảnh: Euronews |
Được biết, khung hiệp định đã được các quốc gia thông qua, trong đó có những nước thải nhựa lớn như Mỹ và Trung Quốc. Hiệp định bao quát toàn bộ vòng đời của mọi vật chất làm bằng nhựa và có thể bao gồm những quy định mới về sản xuất, tái thiết kế sản phẩm để thuận tiện hơn cho việc tái sử dụng, dùng lâu bền và phân hủy tốt hơn.
Các chính sách cụ thể sẽ được thảo luận chi tiết trong thời gian tới, với các vòng đàm phán đầu tiên dự kiến bắt đầu vào nửa cuối năm nay.
Những năm gần đây, rác thải nhựa đang là vấn đề nhức nhối mang tính toàn cầu. Theo báo cáo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), thế giới đã sử dụng 460 triệu tấn nhựa trong năm 2021, tăng gần gấp đôi so với con số ghi nhận năm 2000. Đồng thời, lượng rác thải nhựa cũng đã tăng hơn gấp đôi trong khoảng thời gian này, lên 353 triệu tấn.
Tuy nhiên, chỉ vỏn vẹn 9% rác thải nhựa được tái chế, trong khi 19% được tiêu hủy và gần 50% được chôn lấp tại các hố rác đủ tiêu chuẩn trong năm ngoái. Như vậy, vẫn còn tới 22% được xử lý tại những bãi rác không đúng quy định, đốt cháy tại các bãi rác lộ thiên hoặc bị thải trực tiếp ra môi trường tự nhiên.
Mặt khác, những cảnh báo về “ô nhiễm trắng” liên tục được nâng cao, dù các quốc gia đã và đang nỗ lực giải quyết vấn đề rác thải nhựa và tái chế chúng.
Một nghiên cứu của Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF) được công bố trong tháng 2 vừa qua cảnh báo, nếu không thể đạt được một thỏa thuận toàn cầu về ngăn chặn ô nhiễm nhựa, thế giới có thể sẽ phải trải qua những thiệt hại sinh thái trên diện rộng trong những thập kỷ tới, khiến một số loài sinh vật biển có nguy cơ tuyệt chủng và tàn phá nghiêm trọng các hệ sinh thái nhạy cảm như rạn san hô và rừng ngập mặn.
Vấn đề này cũng đã được các nhà hoạt động bảo vệ môi trường đưa ra thảo luận tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu.
Theo AFP, một khảo sát do công ty tư vấn Ipsos (Pháp) thực hiện ở 28 quốc gia cho biết, trung bình 88% số người được hỏi cho rằng cần có hiệp ước quốc tế về sản xuất, sử dụng sản phẩm nhựa và xử lý rác thải nhựa. Giờ đây, một thỏa thuận đầy tham vọng như vậy đang nằm trong tầm tay của thế giới.
“Đây là cơ hội hiếm có để làm sạch hành tinh cho các thế hệ tương lai, có thể trở thành bước đột phá đa phương về môi trường lớn nhất kể từ khi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu được ký kết vào năm 2015”, Tổng giám đốc Chương trình môi trường LHQ (UNEP) Inger Andersen nhận định.
VĂN HIẾU