Dẫn thông cáo báo chí từ Cơ quan báo chí Điện Kremlin, TASS cho biết hai nhà lãnh đạo đã tập trung trao đổi trong khoảng 3 giờ với rất nhiều nội dung quan trọng, bao gồm tình hình Ukraine, tình hình người Israel và cộng đồng Do Thái tại Ukraine, cũng như tiến trình đàm phán nhằm cứu vãn thỏa thuận hạt nhân năm 2015. Sau hội đàm, Tổng thống Nga và Thủ tướng Israel không tổ chức họp báo. “Hai bên thảo luận nhiều khía cạnh khác nhau về tình hình ở Ukraine”, ông Dmitry Peskov, Thư ký báo chí của Tổng thống Nga, thông báo.

Đáng chú ý, đây là cuộc gặp gỡ trực tiếp đầu tiên của ông Putin với một nhà lãnh đạo nước ngoài kể từ khi Moscow tuyên bố mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại miền Đông Ukraine. Chuyến thăm được thực hiện sau khi chính quyền Kiev kêu gọi Israel tiến hành đối thoại với Nga để xoa dịu khủng hoảng. Hãng tin AFP cho hay, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng có cuộc điện đàm với Thủ tướng Bennett trước khi ông lên đường tới Nga, như một phần trong nỗ lực chung nhằm đạt được một thỏa thuận ngừng bắn ở Ukraine.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) và Thủ tướng Israel Naftali Bennett tại cuộc gặp ở Sochi, Nga ngày 22-10-2021. Ảnh: Reuters 

Theo TASS, sau hội đàm với ông chủ Điện Kremlin, Thủ tướng Bennett đã điện đàm với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nhưng nội dung không được công bố, rồi tiếp tục bay tới Berlin (Đức) để gặp người đồng cấp nước chủ nhà Olaf Scholz.

Thủ tướng Bennett đã hai lần điện đàm với Tổng thống Putin, lần lượt vào các ngày 27-2 và 2-3, trong đó ông đề xuất có thể đóng vai trò trung gian hòa giải để mang lại hòa bình cho Ukraine. Đến nay, người đứng đầu chính phủ Israel vẫn giữ lập trường thận trọng về vấn đề xung đột Ukraine. Thay vì cùng lãnh đạo phương Tây và đồng minh lên án dữ dội chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại miền Đông Ukraine, ông Bennett luôn nhấn mạnh đến quan hệ tốt đẹp của nước này với cả Moscow và Kiev.

Liên quan đến quá trình thương thảo giữa Nga và Ukraine, theo Tân Hoa xã, các nhà đàm phán hai bên ngày 5-3 đánh giá dù vòng đàm phán thứ hai chưa đem lại kết quả như mong đợi nhưng nó vẫn “mang tính xây dựng”, nhất là việc Moscow và Kiev có sự hiểu biết lẫn nhau về các vấn đề nhân đạo. Dự kiến, Nga và Ukraine sẽ tiến hành vòng đàm phán thứ ba vào ngày 7-3 (theo giờ địa phương) nhưng thời gian và địa điểm cụ thể chưa được tiết lộ. Trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Đức, Tổng thống Putin đã bày tỏ hy vọng Kiev sẽ có quan điểm hợp lý và xây dựng trong vòng đàm phán tới đây giữa hai nước.

Hãng tin CNN cho biết chính quyền thành phố Mariupol của Ukraine ngày 6-3 bắt đầu sơ tán dân thường qua các hành lang nhân đạo sau khi lệnh ngừng bắn tạm thời có hiệu lực từ 10 giờ đến 21 giờ ngày 6-3 (theo giờ địa phương), được Kiev và Moscow nhất trí một ngày trước đó. Người dân có thể rời khỏi Mariupol bằng xe buýt hoặc phương tiện cá nhân. Dự kiến, sẽ có khoảng 400.000 dân thường được sơ tán khỏi thành phố này. Trong khi đó, TASS đưa tin, người phát ngôn của chính quyền vùng Donetsk tại miền Đông Ukraine, ông Eduard Basurin khẳng định các hành lang nhân đạo được thiết lập tại thành phố Mariupol và Volnovakha vào sáng cùng ngày, đồng thời bày tỏ hy vọng các lực lượng vũ trang Ukraine liên quan sẽ phối hợp bảo đảm quá trình sơ tán được thông suốt. 

Trên thực địa, hãng tin RIA Novosti ngày 6-3 trích thông báo từ Thiếu tướng Igor Konashenkov, người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Nga cho biết, kể từ khi nước này tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại miền Đông Ukraine, tổng cộng 2.203 hạ tầng cơ sở quân sự của chính quyền Kiev đã bị phá hủy, trong đó có 76 trung tâm chỉ huy và trung tâm liên lạc, 111 hệ thống tên lửa phòng không S-300, Buk-M-1 và Osa cũng như 71 trạm radar. 

Ở một diễn biến khác, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) vừa cảnh báo những tác động kinh tế toàn cầu do căng thẳng Nga-Ukraine sẽ trở nên trầm trọng hơn nếu xung đột leo thang. IMF nhấn mạnh giá năng lượng và hàng hóa tăng vọt, với giá dầu lên tới gần 120USD/thùng, làm gia tăng lạm phát trong bối cảnh nền kinh tế thế giới vẫn đang chật vật phục hồi từ đại dịch Covid-19. Cùng lúc, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cũng cho rằng Liên minh châu Âu (EU) cần đa dạng hóa nguồn cung khí đốt, dầu mỏ và than đá, sử dụng hiệu quả năng lượng và tăng cường đầu tư vào năng lượng tái tạo.

VĂN HIẾU