“Sau nhiều năm bất đồng gay gắt, cuối cùng tình yêu cũng có thể đơm hoa kết trái bên eo biển Manche”. Đó là những câu từ ví von đầy lãng mạn và hy vọng mà tờ Politico dùng để mô tả mối quan hệ có khởi đầu nồng ấm giữa tân Thủ tướng Anh Rishi Sunak và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.

Khi cựu Thủ tướng Boris Johnson còn tại vị, quan hệ đồng minh Anh-Pháp đã giảm mạnh xuống mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ, nhất là sau khi London khởi động tiến trình Brexit rời khỏi Liên minh châu Âu (EU). Căng thẳng tiếp tục lên cao khi hai bên tranh chấp quyền đánh bắt cá, tới mức hồi đầu tháng 5 năm ngoái, London và Paris đã lớn tiếng đe dọa, chỉ trích lẫn nhau, thậm chí triển khai lực lượng tuần tra hàng hải đến eo biển Manche.

Vụ việc còn chưa nguôi ngoai thì một sự kiện mới nảy sinh khi London “đi đêm” với Washington “hớt tay trên” một thỏa thuận béo bở của Paris có giá trị lên tới 90 tỷ USD. Đó là việc Australia hủy thỏa thuận mua 12 tàu ngầm chạy bằng diesel của Pháp hồi tháng 9-2021, thay vào đó là phát triển các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân trong khuôn khổ đối tác an ninh 3 bên với Mỹ và Anh (AUKUS), khiến Paris “cảm thấy như bị đánh úp từ nhiều phía” bởi chính các đồng minh phương Tây.

leftcenterrightdel
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Anh Rishi Sunak gặp nhau bên lề Hội nghị thượng đỉnh COP27 tại Ai Cập, ngày 7-11. Ảnh: Getty Images 

Nếu Washington đã có nhiều động thái xoa dịu Paris, khẳng định Pháp vẫn là "đối tác quan trọng trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương", Canberra cũng bày tỏ thiện chí bằng chuyến thăm giảng hòa của tân Thủ tướng Anthony Albanese, cùng khoản tiền bồi thường ban đầu hàng trăm triệu USD, thì chính quyền Anh dưới thời cựu Thủ tướng Johnson dường như chẳng mảy may quan tâm đến “những tổn thương sâu sắc” mà Paris phải gánh chịu, thậm chí còn “đổ thêm dầu vào lửa” khi phủ nhận trách nhiệm của London và cho rằng thỏa thuận tàu ngầm Pháp-Australia đã có nguy cơ bị hủy bỏ trước cả khi Anh nhảy vào.  

Lâu nay, nạn buôn người di cư xuyên eo biển Manche cũng là nguyên nhân thường xuyên gây mâu thuẫn giữa Paris và London. Người di cư bất hợp pháp thường tập trung ở bờ biển phía Bắc nước Pháp, từ đó vượt eo biển Manche trên những chiếc thuyền nhỏ để tới Anh.

London chỉ trích Paris đã không có những biện pháp quyết liệt ngăn chặn người di cư, ngược lại, Paris cáo buộc London đã không thực hiện đầy đủ các cam kết đóng góp cho những khoản chi của Paris trong nỗ lực kiểm soát người di cư.

Theo tờ The Guardian, hồi tháng 8 vừa rồi, ngay trước khi mất chức do các bê bối về chính trị, Thủ tướng Anh Johnson đã sẵn sàng công bố một thỏa thuận “đột phá” với Pháp về vấn đề người di cư. Bà Liz Truss-Ngoại trưởng Anh khi đó đang chạy đua vào vị trí lãnh đạo Đảng Bảo thủ-khi được hỏi liệu ông Macron là “bạn hay thù” của nước Anh, đã buông lời đáp “bồi thẩm đoàn đã ra ngoài”.

Ý của bà Truss được hiểu là, thật khó mà phân định Paris là bạn hay thù nữa. Lời buột miệng của bà Truss, không rõ vô tình hay hữu ý, như một gáo nước lạnh giội vào những nỗ lực mang tính xây dựng giữa hai bên, khiến chúng tan thành mây khói. Chỉ vài ngày sau đó, Pháp tuyên bố rút khỏi các cuộc đàm phán với Anh. Thái độ không mấy thiện chí của bà Truss đối với Paris vẫn được duy trì trong quãng thời gian ngắn ngủi khi bà kế nhiệm chức Thủ tướng Anh mà ông Johnson để lại.

Phải đến khi ông Sunak lên nắm quyền, London mới bắn đi một số tín hiệu tích cực cho thấy tân Thủ tướng Anh muốn làm ấm lại quan hệ giữa hai đồng minh. Trên thực tế, cả ông Sunak và ông Macron có khá nhiều điểm chung: Một người từng đảm nhiệm vị trí Bộ trưởng Tài chính, người kia là cựu quan chức ngân hàng; cả hai đều ở độ tuổi ngoài 40, được đào tạo tại các trường đại học ưu tú, ưa thích sử dụng mạng xã hội... Hai nhà lãnh đạo đều đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng, chi phí sinh hoạt tăng cao, kéo theo những bất ổn về chính trị-xã hội trong nước.  

Khoảnh khắc “nối lại tình bằng hữu” London-Paris được hai nhà lãnh đạo Sunak-Macron thể hiện một cách đầy hào hứng trong cuộc gặp song phương đầu tiên bên lề Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 27 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27) tại Ai Cập, tiếp đó là Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) ở Indonesia. Ngay sau đó, ông Sunak đăng trên Twitter bức ảnh chụp chung với ông Macron, kèm chú thích “Bạn bè, đối tác, đồng minh”...

Những tín hiệu tích cực cũng đã được ghi nhận: Một hội nghị thượng đỉnh Anh-Pháp chính thức đầu tiên sau 5 năm đang được hai bên lên kế hoạch vào đầu năm tới. Trung tuần tháng 11, hai nhà lãnh đạo đã công bố một thỏa thuận liên quan đến vấn đề di cư xuyên eo biển Manche, khép lại nhiều tháng bế tắc ngoại giao.

Theo đó, Anh đồng ý trả cho Pháp khoảng 72,2 triệu euro (75 triệu USD) trong năm 2022-2023, để đổi lấy việc Pháp tăng cường hiện diện an ninh lên 40% trên các tuyến đường ven biển. Đồng thời, lực lượng biên phòng Anh cũng lần đầu tiên được triển khai trên lãnh thổ Pháp để cùng phối hợp ngăn chặn nạn buôn người di cư xuyên eo biển Manche.

Dĩ nhiên vẫn còn nhiều khác biệt giữa hai bên. Ông Sunak là người tích cực ủng hộ Brexit với quan điểm “đây là cơ hội ngàn năm có một để nước Anh giành lại quyền kiểm soát vận mệnh của mình”. Trong khi ông Macron luôn thể hiện sự ủng hộ một châu Âu thống nhất và gắn kết. Hai bên cũng còn không ít những tồn tại cần giải quyết ngoài vấn đề người di cư, an ninh năng lượng, tranh cãi về việc thực hiện những thỏa thuận hậu Brexit...

Song, hơn ai hết, họ đều ý thức được rằng một mối quan hệ nồng ấm sẽ đem lại lợi ích cho cả đôi bên, nhất là trong bối cảnh London cần tận dụng vị thế và ảnh hưởng của Pháp làm cầu nối với EU, còn Paris cũng hướng sang London như một sự bù đắp khi quan hệ với một đồng minh lâu năm khác là Berlin đang rơi xuống mức thấp trong nhiều năm. 

HÀ PHƯƠNG