Cuộc khủng hoảng nhân lực trong ngành giáo dục đang đè nặng lên quốc gia hình lục lăng, dù mới đây Tổng thống Emmanuel Macron cam kết sẽ tăng 10% lương cho giáo viên trong năm học tới.

Réseau Canopé là Mạng lưới hỗ trợ và sáng tạo giáo dục trực thuộc Bộ Giáo dục quốc gia và Thanh niên Pháp có sứ mệnh đào tạo và phát triển nghề cho giáo viên. Tuy nhiên, Réseau Canopé đang đau đầu trong việc tuyển giáo viên trong khi năm học mới đang tới gần. Các số liệu của Bộ Giáo dục quốc gia và Thanh niên Pháp cho thấy, vào cuối đợt tuyển dụng năm 2022, tỷ lệ giáo viên cấp mẫu giáo và tiểu học được tuyển dụng mới đạt 83,1%, thấp hơn nhiều so với mức 94,7% của năm 2021. Trong khi đó, tỷ lệ này ở cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông là 83,4%, thấp hơn so với mức 94,1% của năm 2021. Đặc biệt, tình trạng thiếu giáo viên dạy các môn: Tiếng Đức, Văn học, Vật lý, Hóa học và Toán khá lớn. “Cho đến nay, vẫn có khoảng 4.000 giáo viên bị thiếu và điều này buộc các trường học kém hấp dẫn phải tổ chức các hoạt động tuyển dụng giáo viên hợp đồng và đào tạo cấp tốc trước khi năm học mới bắt đầu vào ngày 1-9 tới”, Báo L’Echos cho hay.

leftcenterrightdel
Một góc trường Lycee Louis-le-Grand trên đường phố Saint Saint Jacques ở Paris. Đây là trường trung học công lập tốt nhất ở Pháp. Ảnh: Louislegrand. 

Một số nguyên nhân dẫn tới khủng hoảng thiếu giáo viên được Bộ trưởng Bộ Giáo dục quốc gia và Thanh niên Pháp, ông Pap Ndiaye, chỉ ra như: Mức lương thấp, thiếu động lực phát triển, sự cải cách giáo dục chậm trễ..., trong đó lương thấp là lý do khiến số lượng đơn đăng ký thi tuyển giáo viên năm 2022 giảm mạnh, trong khi đơn xin thôi việc lại tăng cao. Một thống kê của Bộ Giáo dục quốc gia và Thanh niên Pháp cho thấy, nếu năm học 2008-2009, chỉ có 364 giáo viên trên toàn quốc thôi việc thì đến năm học 2020-2021, con số này là 2.286 người. “Sau khi tốt nghiệp thạc sĩ, tôi đi dạy học và có mức lương trước thuế là 2.300 euro/tháng. 10 năm sau, mức lương của tôi vẫn vậy trong khi chi phí hằng ngày tăng chóng mặt”, Nicolas nói, cựu giáo viên dạy lý, hóa và nay là thanh tra môi trường, nói.

Cùng chung quan điểm trên, David, cựu giáo sư triết học, đang làm việc tại Bộ Nội vụ cho rằng, mức lương và điều kiện làm việc tại trường không tương xứng với những nỗ lực vượt qua các kỳ thi của ông. Theo các cựu giáo viên trên, mức lương mà họ nhận được không đáp ứng đủ nhu cầu chi tiêu sinh hoạt đắt đỏ hằng ngày là nguyên nhân chính khiến họ rời bục giảng. Vào tháng 7 năm nay, Bộ trưởng Pap Ndiaye thừa nhận, về mặt khách quan, tiền lương của giáo viên hiện không ở mức mà người lao động mong đợi.

Để đưa cam kết “có đủ giáo viên cho mỗi lớp trong tất cả trường học ở Pháp” thành hiện thực, ngày 25-8 vừa qua, phát biểu trước hiệu trưởng các trường học ở Pháp, Tổng thống Macron khẳng định sẽ tăng lương cho các giáo viên. Ông Macron nhấn mạnh, Chính phủ sẽ tiếp tục duy trì các nỗ lực tăng lương cho giáo viên vốn được triển khai bắt đầu từ năm 2020. “Sẽ không có giáo viên nào hưởng lương ít hơn 2.000 euro/tháng, tương đương tăng khoảng 10% so với mức lương hiện tại”, nhà lãnh đạo Pháp nói. Ông Macron hy vọng, việc tăng lương sẽ giúp các trường cải thiện tình trạng thiếu thầy ngay trong năm học tới. Bên cạnh đó, Tổng thống Macron cũng thông báo thành lập quỹ đổi mới giáo dục bắt đầu từ tháng 9 tới với nguồn vốn ban đầu là 500 triệu euro. Ông cũng mong muốn trong thời gian tới sẽ nhận thấy sự chuyển đổi sâu sắc ở các trường dạy nghề, trong đó thời gian thực tập chiếm ít nhất 50% và được trả lương cao hơn.

Hiện nay, tình trạng thiếu giáo viên xảy ra ở nhiều nước thuộc Liên minh châu Âu, Mỹ, Canada... Theo số liệu của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), giáo viên tại Pháp có 15 năm kinh nghiệm được hưởng lương trước thuế khoảng 40.000 euro/năm, thấp hơn mức trung bình mà các đồng nghiệp của họ tại các quốc gia giàu khác nhận được. Tuy nhiên, theo Báo Libération, dù mức lương của giáo viên cao gấp hai lần so với Pháp nhưng Đức cũng đang đứng trước nguy cơ thiếu 26.000 giáo viên cấp tiểu học vào năm 2025.

PHƯƠNG VŨ