Phương pháp điều trị mới sử dụng các tế bào đa năng cảm ứng (iPS), một loại tế bào gốc có khả năng phát triển thành mọi dạng tế bào trong cơ thể. Các nhà khoa học sau đó cấy trực tiếp tế bào iPS vào các vùng bị tổn thương trong não bệnh nhân để kích thích quá trình tự hồi phục. Bệnh nhân sau đó sẽ được theo dõi trong 2 năm.

Tế bào gốc iPS dưới ống kính hiển vi. Ảnh: Asia Nikkei Review.

Trả lời báo giới, Giáo sư Jun Takahashi thuộc Đại học Kyoto cho biết, đây là lần đầu tiên thử nghiệm điều trị bệnh Parkinson bằng phương pháp tế bào gốc được tiến hành trên người. Người đứng đầu Trung tâm nghiên cứu & Ứng dụng tế bào iPS, ông Shinya Yamanaka cho biết thêm, trung tâm đang phối hợp chặt chẽ với Bệnh viện Đại học Kyoto để nhanh chóng hoàn thành nghiên cứu và đưa vào ứng dụng rộng rãi. Trước đó, phương pháp mới này đã chứng minh hiệu quả trong các thử nghiệm trên khỉ mắc căn bệnh tương tự.

Thay vì lấy từ bào thai như tế bào gốc thông thường, tế bào iPS được trích xuất từ các mô trưởng thành, sau đó kích thích để phát triển ngược về trạng thái nguyên sinh. Do đó, có thể lấy tế bào gốc iPS trực tiếp từ cơ thể bệnh nhân, loại bỏ yêu cầu về độ tương thích của tế bào hiến tặng và tối đa hóa tỷ lệ thành công khi cấy ghép.

Phương pháp sử dụng tế bào iPS được giới khoa học đánh giá không chỉ có tiềm năng lớn mà còn hoàn toàn phù hợp với các quy định về y đức ngày nay. Nếu thành công, các công ty dược phẩm có thể dựa theo nghiên cứu này để tiến hành sản xuất thuốc điều trị bệnh Parkinson và nhiều bệnh liên quan đến thần kinh khác vào năm 2023.

ĐĂNG SƠN (theo Sputnik)