Theo ông, quân đội Mỹ nhận thức rõ ràng họ đã thất bại nhục nhã trong cuộc chiến này. Mặc dù Tổng thống thứ 40 của nước Mỹ Ronald Reagan đã mô tả đây như một "cuộc thập tự chinh cao cả" nhưng rất nhiều lính Mỹ hoài nghi sâu sắc về lý do tại sao họ phải tham chiến tại Việt Nam.
Trong bài viết, Edward F.Palm cho biết, vào giữa thập niên 1980, một sĩ quan quân đội Mỹ mà ông quen biết đã tóm tắt ngắn gọn tâm trạng của cựu binh Mỹ thời hậu chiến tranh Việt Nam như sau: "Sẽ không sao cả nếu bạn là cựu binh từng tham chiến tại Việt Nam, miễn là bạn không suy nghĩ về cuộc chiến hoặc nhắc lại về nó". Vị sĩ quan này đã nhận ra thái độ mà các cấp lãnh đạo khi đó phản ứng với thất bại nhục nhã mà quân Mỹ phải gánh chịu trong chiến tranh Việt Nam. Mọi thứ không được nói toạc ra nhưng đều được ngầm hiểu.
50 năm trước, vào ngày 30-4-1975, ngụy quyền Sài Gòn chính thức sụp đổ, chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam kết thúc. 50 năm sau, từ những gì đã trải qua tại Việt Nam và những nghiên cứu sau này, Edward F.Palm khẳng định việc Mỹ đưa quân vào Việt Nam không phải là một “cuộc thập tự chinh cao cả” như những gì giới chức nước này rao giảng.
 |
Ngày 29-4-1975, nhiều viên chức của chính quyền ngụy cùng gia đình cố gắng trèo qua bức tường của Đại sứ quán Mỹ để tiếp cận trực thăng di tản khỏi Sài Gòn. Ảnh: delawareonline.com |
“Chúng tôi đã bị mua chuộc, bị mua chuộc bằng những cái bắt tay muộn màng và những lời bày tỏ biết ơn suông. Chúng tôi đã quên mất đâu là căn nguyên gây ra tất cả đau khổ và hội chứng rối loạn căng thẳng sau sang chấn cho mình. Không phải đất nước không chào đón chúng tôi trở về hoặc không tôn vinh các cựu binh, mà là chúng tôi phát hiện ra rằng các nhà lãnh đạo của Mỹ đã nói dối về bản chất và sự cần thiết của cuộc chiến tranh mà Mỹ thực hiện ở Việt Nam, và việc tiến hành cuộc chiến đã phủ nhận những lý tưởng, giá trị mà tất cả chúng ta từng được dạy phải tin tưởng”, Edward F.Palm nhấn mạnh.
Trong bài viết, học giả người Mỹ khẳng định, Chủ tịch Hồ Chí Minh là một người theo chủ nghĩa dân tộc. Ngay từ đầu, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề nghị phía Mỹ ủng hộ nền độc lập của Việt Nam. Nhưng chính quyền Mỹ cần sự giúp đỡ của Pháp để ngăn chặn sự phát triển của chủ nghĩa cộng sản và Chiến tranh lạnh đã làm lu mờ phán đoán của người Mỹ. Năm 1950, Mỹ đã sa lầy ở Triều Tiên và quyết định viện trợ vũ khí, đạn dược cho Pháp để giữ bằng được Đông Dương trong phạm vi ảnh hưởng của phe tư bản. Sau thất bại nặng nề của quân Pháp ở Điện Biên Phủ, Mỹ hình thành chiến lược từng bước hất cẳng Pháp để tự triển khai các lực lượng Mỹ ở Đông Dương. Năm 1954, Mỹ chính thức thay thế Pháp xâm lược Việt Nam.
“Chúng tôi đã thả lượng lớn bom xuống Việt Nam. Số lượng này thậm chí còn lớn hơn tổng số bom được sử dụng trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Chúng tôi đưa ra tuyên bố về các vùng bắn phá tự do. Chúng tôi rải chất độc da cam trên diện rộng. Chúng tôi sử dụng rộng rãi những vũ khí hỗ trợ từ trên không và cả những loại vũ khí gây cháy nghiêm trọng mà không quan tâm đến thiệt hại có thể vô cùng nặng nề mà những vũ khí này gây ra”, Edward F.Palm nêu trong bài viết.
Ông cũng thú nhận lính Mỹ mang tư tưởng phân biệt chủng tộc và coi người Việt Nam là thấp kém hơn mình, dùng những lời lẽ miệt thị, xúc phạm để mô tả về người Việt Nam. Họ coi tất cả người dân Việt Nam là những mối đe dọa tiềm tàng. Cũng vì thế, vụ thảm sát tại Mỹ Lai-một trong những tội ác man rợ nhất của lính Mỹ trong chiến tranh Việt Nam-đã xảy ra. Nước Mỹ-đất nước tự cho mình là đặc biệt và xứng đáng được ngưỡng mộ, noi theo đã trút cơn thịnh nộ lên những người dân vô tội khi không đạt được mục đích.
Cuối cùng, Mỹ đã thua trận và phải rút quân khỏi miền Nam Việt Nam. Cái giá phải trả cho những năm tháng chiến tranh là hàng chục nghìn lính Mỹ thiệt mạng. “Những cựu binh Mỹ từng tham chiến tại Việt Nam cảm thấy thế nào khi tham gia vào một cuộc chiến vô nghĩa và sai lầm như vậy?”, Edward F.Palm đặt câu hỏi trong bài viết.
Là một cựu binh từng tham chiến tại Việt Nam, Edward F.Palm hiểu rõ những sai lầm của chính quyền Washington khi tiến hành chiến tranh xâm lược Việt Nam. Mỹ coi chiến tranh ở Việt Nam như một phần trong cuộc chiến toàn cầu chống lại chủ nghĩa cộng sản, trong khi thực tế, đó là cuộc chiến giành độc lập và thống nhất đất nước của người Việt Nam. Chính quyền Mỹ đã bỏ qua yếu tố dân tộc và nguyện vọng độc lập của người Việt Nam, đánh giá sai về động cơ cũng như khả năng chịu đựng, ý chí chiến đấu kiên cường của người dân Việt Nam. Những hỏa lực mạnh, những vũ khí tối tân của Mỹ trở nên vô tác dụng khi nằm trong tay đội quân chỉ có duy nhất ý nghĩ làm sao để sống sót trở về. Họ không có mục đích, không có ý chí chiến đấu, không hiểu lý do vì sao phải thực hiện những việc kinh khủng nhất mà con người có thể thực hiện với đồng loại.
“Giá mà chúng tôi biết những điều này từ trước”, câu nói quen thuộc được Edward F.Palm thốt lên trong bài viết cũng phản ánh tâm trạng chung của rất nhiều cựu binh Mỹ. Có lẽ sự hối hận và day dứt sẽ vẫn đeo bám họ, dù là 50 năm, 60 năm hay lâu hơn nữa.
BẢO CHÂU
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.