Vừa qua, Tổng thống Thụy Sĩ Karin Keller-Sutter, đồng thời cũng là Bộ trưởng Tài chính, đã tham dự hội nghị bộ trưởng tài chính EU tại Warsaw, Ba Lan. Swissinfo.ch khẳng định đây là một động thái chưa từng có tiền lệ của Thụy Sĩ. Phát biểu với báo giới, bà Karin Keller-Sutter nhấn mạnh Thụy Sĩ muốn "ổn định và làm sâu sắc" mối quan hệ với EU. Trước đó, sau khi chính quyền Mỹ thông báo chính sách thuế quan mới, Tổng thống Thụy Sĩ cũng cho biết đã liên lạc chặt chẽ với Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen.

Trang mạng swissinfo.ch lưu ý rằng chuyến tham dự hội nghị bộ trưởng tài chính EU của Tổng thống Karin Keller-Sutter diễn ra trong bối cảnh sau hơn 10 năm đàm phán cam go, Thụy Sĩ và EU đã ký thỏa thuận mang tính lịch sử nhằm "cập nhật" mối quan hệ giữa hai bên vốn được chi phối bởi hơn 120 thỏa thuận song phương trong các lĩnh vực trong hơn 5 thập niên qua. Chi tiết của thỏa thuận dự kiến được công bố vào tháng 6 tới và thỏa thuận sẽ được đưa ra trưng cầu ý dân tại Thụy Sĩ trước khi có hiệu lực.

Tổng thống Thụy Sĩ Karin Keller-Sutter (bên phải) trong một cuộc gặp với Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, tháng 1-2025. Ảnh: Getty Images 

Việc xích lại gần hơn với EU lâu nay vốn là một vấn đề chưa đạt đồng thuận tại Thụy Sĩ, thậm chí còn vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của Đảng Nhân dân Thụy Sĩ (SVP)-chính đảng lớn nhất nước này. SVP xem thỏa thuận mang tính lịch sử nói trên là "hiệp ước đầu hàng EU". Tuy nhiên, một quan chức Thụy Sĩ giấu tên nhận định hiện tại đang là cơ hội để những tiếng nói ủng hộ xích lại gần hơn với EU tại Thụy Sĩ "có ảnh hưởng hơn so với bình thường".

Theo nghị sĩ Cédric Wermuth, một lãnh đạo của Đảng Dân chủ Xã hội tại Thụy Sĩ, nước này “không nên tiếp tục làm một hòn đảo trong châu Âu nữa”. “Một thực tế mới đang xuất hiện và chúng ta không còn có thể thu được lợi ích theo cách chúng ta đã làm kể từ Chiến tranh thế giới thứ hai. Tôi thấy không có giải pháp thay thế nào ngoài việc xoay trục sang châu Âu”, nghị sĩ Cédric Wermuth nhấn mạnh.

Cùng chung quan điểm, nghị sĩ Thierry Paul Burkart thuộc Đảng Tự do cấp tiến tại Thụy Sĩ khẳng định việc tránh làm tổn hại tới mối quan hệ lâu dài và ổn định với EU là "quan trọng hơn bao giờ hết" giữa thời điểm tình hình thế giới khó lường như hiện nay. Trong khi đó, ông François Savary, người sáng lập hãng tư vấn Genvil SA có trụ sở tại Geneva (Thụy Sĩ) cho rằng chính sách thuế quan mới của Mỹ đã khiến tình hình thay đổi. Theo đó, Thụy Sĩ không còn được tự do giao dịch với nền kinh tế lớn nhất thế giới nữa và những người không ủng hộ mối quan hệ với EU giờ đây "sẽ khó khăn hơn nhiều để bảo vệ lập trường của mình".

EU là đối tác thương mại lớn nhất của Thụy Sĩ, trong khi Thụy Sĩ là đối tác thương mại lớn thứ 4 của EU. Có khoảng 1,5 triệu công dân EU sinh sống tại Thụy Sĩ và khoảng 450.000 công dân Thụy Sĩ sinh sống tại EU. Mỗi ngày, có hàng trăm nghìn công dân EU đi lại qua biên giới giữa hai bên để làm việc.

Trên thực tế, trang mạng swissinfo.ch cho biết, Thụy Sĩ lâu nay luôn sẵn sàng tăng cường hợp tác kinh tế nhưng lại luôn từ chối "hội nhập chính trị lớn hơn" hoặc thậm chí là trở thành một thành viên của EU. Cũng vì lẽ đó mà EU xem Thụy Sĩ là láng giềng và đối tác "kén chọn". Theo Giáo sư Fabio Wasserfallen tại Đại học Bern, Thụy Sĩ "giàu và ổn định" đến mức không muốn gia nhập EU.

Trong khi đó, Giáo sư Stefanie Walter tại Đại học Zurich cho rằng vì mối quan hệ với EU lâu nay "mang lại hiệu quả tốt" nên không có gì ngạc nhiên khi phần đông dư luận Thụy Sĩ "muốn duy trì hiện trạng". Thêm vào đó, việc gia nhập EU được cho là sẽ làm suy yếu chính sách trung lập của Thụy Sĩ, vốn bắt đầu thực hiện từ năm 1515 nhưng tới năm 1815 mới chính thức được cộng đồng quốc tế công nhận. Viện Mises-một tổ chức nghiên cứu phi lợi nhuận của Mỹ cho biết, Thụy Sĩ là quốc gia thực hiện chính sách trung lập lâu đời nhất trên thế giới (hơn 5 thế kỷ).

HOÀNG VŨ

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.