Những “cây bút” lụi tàn trong tiếng súng
Gia-vi-ê Van-đết Các-đê-nát (Javie Valdez Cárdenas), 50 tuổi, là đặc phái viên của nhật báo La Jornada và cộng tác viên cho hãng tin AFP từ hơn 10 năm nay tại bang Xi-na-loa, đồng thời là người đồng sáng lập tuần báo Ríodoce, một tờ báo chuyên đăng bài điều tra về các băng nhóm ma túy. Là một nhà báo chuyên viết về hoạt động buôn lậu ma túy và tội phạm có tổ chức, nên việc ông Van-đết nhận tin nhắn đe dọa là “chuyện như cơm bữa”. Cảm nhận được những nguy hiểm luôn rình rập quanh mình, trong một cuốn sách, nhà báo Van-đết viết: "Là nhà báo giống như nằm trong danh sách đen. Dù cho phóng viên có áo giáp chống đạn và bảo vệ đi cùng, các băng nhóm ma túy vẫn chọn ngày giết chết họ".
Trước ngày ông Van-đết bị sát hại, phiên bản Báo El País ở Mê-hi-cô muốn gặp ông để đề nghị ông phân tích băng Xi-na-loa tổ chức lại thế nào sau khi trùm ma túy Đa-ma-xô Lô-pết (Dámaso López) bị bắt vào đầu tháng 5-2017. Nhà báo Van-đết viết thư hồi đáp: “Vì lý do an toàn, tôi không thể trả lời, tình hình đang trở nên khủng khiếp”.
Các nhà báo Mê-hi-cô biểu tình yêu cầu bắt giữ thủ phạm sát hại nhà báo Gia-vi-ê Van-đết Các-đê-nát. Ảnh: Notimerica.com
Theo AP, chiều 15-5 vừa qua, khi vừa rời tòa soạn tuần báo Ríodoce ở Cu-li-a-can (thủ phủ bang Xi-na-loa ở miền bắc Mê-hi-cô) được vài mét, một số kẻ trùm mặt xuất hiện đột ngột. Chúng ra lệnh cho ông Van-đết xuống xe rồi lạnh lùng nã hàng chục phát đạn vào người ông.
Ông Van-đết là nhà báo thứ năm bị sát hại tại Mê-hi-cô tính từ đầu năm 2017. Trước đó, nhà báo Xê-xi-li-ô Pi-nê-đa (Cecilio Pineda) và Ri-các-đô Môn-lu-i Ca-brê-ra (Ricardo Monlui Cabrera) cũng bị sát hại dã man vào ngày 2 và 19-3 vừa qua. Sáng sớm 23-3, thành phố Chi-hua-hua của Mê-hi-cô đã chứng kiến thêm một vụ ám sát nhà báo. Nạn nhân là cô Mi-rô-xla-va Brít-sơ Ven-du-xê-a (Miroslava Breach Velducea), phóng viên của Báo La Jornada và là cộng tác viên của nhật báo Norte.
Theo báo chí Mê-hi-cô, Ven-du-xê-a được báo chí trong nước gọi là “người phụ nữ dũng cảm” sau khi có nhiều loạt bài tố cáo tình trạng tham nhũng, tội phạm ở quốc gia Mỹ La-tinh này. Nữ phóng viên bị bắn chết ngay trước cửa nhà khi đang chuẩn bị đưa con trai đến trường. Trước đó, cô Ven-du-xê-a và những người thân trong gia đình đã bị một nhóm người lạ mặt gửi thư đe dọa sát hại. Sau khi ra tay, hung thủ còn táo tợn để lại dòng chữ “Tại lưỡi mày dài quá” và ký tên “EI 80”. Đây là biệt danh của Ác-tu-rô Kin-ta-na (Arturo Quintana), trùm băng đảng La Li-nê-a (La Linea) là chân rết của băng ma túy Giu-a-rết (Juarez), một trong những băng đảng lớn ở Mê-hi-cô.
Hai tuần sau cái chết của Ven-du-xê-a, ngày 14-4, phóng viên viết mảng tội phạm, Ma-xi-mi-nô Rô-đri-gu-ết Pa-la-xi-ốt (Maximino Rodríguez Palacios), cũng bị bắn chết tại thành phố La Pát.
Bảo vệ tự do báo chí-"nền tảng của dân chủ”
Sau vụ ám sát nhà báo Gia-vi-ê Van-đết, nhiều cuộc biểu tình được tổ chức trên cả nước Mê-hi-cô để yêu cầu chính quyền trừng trị bọn buôn ma túy. Ngày 21-5, lần đầu tiên ở Mê-hi-cô, 186 nhà báo nước ngoài làm việc tại Mê-hi-cô đại diện cho 69 cơ quan truyền thông quốc tế cùng công bố thư ngỏ lên án vụ sát hại Gia-vi-ê Van-đết. Thư ngỏ nhấn mạnh việc sử dụng hiệu quả pháp luật là vấn đề cốt lõi để ngăn chặn các vụ tấn công và bảo đảm cho các nhà báo hành nghề an toàn và tự do.
Theo thống kê của Tổ chức bảo vệ các nhà báo Articulo 19 của Mê-hi-cô, tính từ đầu năm cho đến hết tháng 5-2017, đã có 5 nhà báo Mê-hi-cô bị sát hại, nâng tổng số nhà báo bị sát hại từ năm 2000 đến nay lên tới 105 người, chưa kể 23 nhà báo mất tích ở Mê-hi-cô. Điều tra của Trường Đại học Iberoamericana (Mê-hi-cô) cho biết thêm, năm 2016 là năm có số nhà báo bị sát hại nhiều nhất ở Mê-hi-cô trong 17 năm qua với 11 nhà báo bị giết và 426 nhà báo bị tấn công. “Tuy nhiên, có một thực tế đau lòng rằng, thủ phạm không bị trừng phạt trước pháp luật trong hầu hết những vụ sát hại nhà báo (99,7%)”, Articulo 19 cho hay.
Trước thực trạng số vụ tấn công nhà báo ngày một gia tăng, Tổng thống Mê-hi-cô En-rích-kê Pê-na Ni-ê-tô (Enrique Pena Nieto) tuyên bố, ông đã ra lệnh tiến hành cuộc điều tra. Đây là lần đầu tiên ông En-rích-kê Pê-na Ni-ê-tô phản ứng công khai sau hàng loạt vụ sát hại nhà báo ở nước này, cho thấy quyết tâm của Chính phủ Mê-hi-cô nhằm bảo vệ nhà báo khỏi sự trả thù của các tổ chức tội phạm.
BÌNH NGUYÊN