Bà Nguyễn Ngọc Anh, 66 tuổi, đang sinh sống và buôn bán ở huyện UThumPhone, tỉnh Savannakhet, Lào, bên cạnh việc bán hàng tại chợ còn dành nhiều thời gian đến sinh hoạt tôn giáo tại các ngôi chùa. Sinh ra trong gia đình đông anh chị em, cuộc sống khó khăn khiến bà phải vất vả lo toan nhiều, niềm vui lớn nhất của người phụ nữ này chính là khoảng thời gian tham gia sinh hoạt tôn giáo tại các ngôi chùa.

Bà Nguyễn Ngọc Anh chia sẻ: "Khi nào có thời gian rảnh tôi sẽ đi chùa, hoặc khi nào nhà chùa cần giúp việc gì thì tôi sẽ tới. Tôi đi chùa Lào thì thường buổi sáng sẽ tham gia nghi lễ khất thực, còn buổi trưa sẽ làm các món ăn để cúng dường cho các chư tăng trên chùa". Nghi lễ khất thực hay tiếng Lào gọi là “Tak Bat” là một truyền thống lâu đời trong văn hóa Phật giáo tại Lào. Đây được xem là một khoảnh khắc độc đáo, rất xúc động và vô cùng thiêng liêng đối với người dân địa phương. Từ sáng sớm, các nhà sư khởi hành trên đôi chân trần, từ các ngôi chùa trong thành phố để nhận đồ ăn trong ngày từ người dân. Với những người Việt sinh sống tại Lào như bà Nguyễn Ngọc Anh, được tham gia nghi lễ khất thực là điều vô cùng ý nghĩa.

 
leftcenterrightdel
Người Việt sinh hoạt tôn giáo tại Lào. 

Bà Triệu Thu Hồng, 54 tuổi, ở huyện UThumPhone, tỉnh Savannakhet, Lào là người Việt sinh ra và lớn lên trên đất nước Lào. Đối với bà Triệu Thu Hồng, khi con cái đã lớn và xây dựng gia đình riêng, thời gian rảnh bà thường lên chùa làm việc thiện để tu tâm tích đức cho con cháu đời sau. "Tôi nghĩ mình làm những việc lành thì tâm mình sẽ an lành, bất cứ chùa Việt hay chùa Lào có bảo mình đến phụ hoặc đi làm từ thiện thì mình cũng đi với các thầy", bà Triệu Thu Hồng cho biết.

Có thể nói bà Nguyễn Ngọc Anh hay bà Triệu Thu Hồng đều được tiếp xúc rất sớm với hai luồng văn hóa, tôn giáo Việt-Lào. Bởi Việt Nam và Lào có sự gắn bó mật thiết với nhau không chỉ trong cuộc sống mà cả trong sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng. Khác với chùa Việt, trong các ngôi chùa Lào, các nhà sư không ăn chay và cũng không nấu ăn vì thế bà Ngọc Anh hay bà Thu Hồng thường nấu canh măng (hay còn gọi là canh nò-mạy), một món đặc sản của Lào để đem đi cúng dường.

Đại đức Nguyễn Văn Đức, Trụ trì chùa Pháp Hoa, huyện UThumPhone, tỉnh Savannakhet cho biết: "Các tăng ni đến chùa với hy vọng tu dưỡng. Người Việt đi chùa cũng rất đông, điều này cho thấy sự gắn bó mật thiết trong mối quan hệ Việt - Lào". Những hoạt động văn hóa, tâm linh, tôn giáo của các ngôi chùa tại Lào không chỉ thu hút đông đảo cộng đồng người Việt Nam và người Lào tham gia, mà còn là nơi tập hợp, đoàn kết bà con, động viên và hỗ trợ bà con gìn giữ tiếng Việt và bản sắc văn hóa dân tộc, hướng về cội nguồn, đất nước, quê hương, đồng thời thúc đẩy vai trò cầu nối quan hệ hữu nghị nhân dân và Phật giáo giữa hai nước Việt Nam-Lào anh em.

SỔM PHON

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.