Có thể coi việc đón nhận hàng triệu người tị nạn Ukraine chạy trốn là một cơ hội để các nước Đông Âu tiếp nhận một lực lượng lao động tiềm năng. Tuy nhiên, các chuyên gia phân tích cảnh báo rằng việc thu nhận tất cả những người này là một thách thức không nhỏ với các quốc gia của khu vực.
Theo báo cáo của Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR), khoảng 2,5 triệu người đã rời khỏi Ukraine kể từ khi Nga thực hiện chiến dịch quân sự vào đất nước này. UNHCR gọi đây là cuộc khủng hoảng người tị nạn diễn ra nhanh nhất châu Âu kể từ thời Thế chiến II. Hơn một nửa số người nói trên đã di chuyển sang Ba Lan, trong khi hàng chục nghìn người khác cũng đã đến Moldova và Bulgaria.
 |
Một tình nguyện viên giúp người tị nạn Ukraine lựa chọn quần áo trong một trung tâm cứu trợ ở thủ đô Sofia, Bulgaria. Ảnh: France24
|
Giáo sư Sieglinde Rosenberger của Trường Đại học Viên (Áo) cho rằng những người tị nạn này có trình độ năng lực và sẽ đáp ứng được nhu cầu về nguồn lao động của các quốc gia mà họ tìm đến. Tuy nhiên, bà cũng khẳng định thái độ tiếp nhận của quốc gia sở tại sẽ quyết định đến khả năng hòa nhập của những người này.
Ở một khía cạnh khác, các chuyên gia đang đặt câu hỏi làm thế nào để các nước Đông Âu, những nước vốn có GDP thấp hơn các nước phương Tây, có thể sử dụng hiệu quả dòng vốn khổng lồ viện trợ trong thời gian tới để hỗ trợ những người tị nạn này và giữ ổn định nền kinh tế của mình.
Những người thông minh, có trình độ
Trong một bức thư gửi cho chính phủ, Hiệp hội các tổ chức sử dụng lao động Bulgaria cho biết họ có thể tuyển dụng tới 200.000 người Ukraine. Họ nói rằng những người gốc Bulgaria có thể nói được ngôn ngữ bản địa và những người này sẽ được chào đón khi đến định cư lâu dài ở Bulgaria. Trong khi đó, đại diện các ngành công nghệ thông tin, dệt may, xây dựng và du lịch cũng cho biết họ đang có nhu cầu tuyển dụng hàng chục nghìn người.
Dân số Bulgaria đã giảm từ gần 9 triệu người ở thời điểm những năm 90 xuống còn 6,5 triệu người hiện nay, một phần là bởi lý do di cư, khiến tình trạng thiếu hụt lao động trở nên phổ biến ở quốc gia nghèo nhất của châu Âu này. Chính vì vậy, sự xuất hiện của người tị nạn Ukraine được cho là 1 cú hích cho thị trường lao động của Bulgaria. Trong một bài phát biểu mới đây, Thủ tướng Bulgaria Kiril Petkov đã mô tả những người tị nạn Ukraine là "thông minh, có học thức... có trình độ cao". Ông nói rằng Bulgaria và các quốc gia Đông Âu khác sẵn sàng đón nhận họ.
Khoảng 20.000 người Ukraine đã chạy trốn đến Bulgaria, và con số này dự kiến sẽ tiếp tục tăng lên nếu quân đội Nga tiến công vào thành phố Odessa nằm sát trên bờ Biển Đen.
Ngay cả Hungary, quốc gia từng đưa ra chính sách hạn chế người di cư, cũng đã chào đón người dân Ukraine, bởi họ cũng đang phải vật lộn với tình trạng thiếu hụt lao động.
Phát biểu hồi cuối tuần trước, Thủ tướng Hungary Viktor Orban nói rằng chính quyền của ông có thể nhận biết đâu là “người di cư, những người đến từ phía Nam…, và đâu là những người tị nạn.” Tất cả những người tị nạn đều cần nhận được sự giúp đỡ, ông khẳng định.
Dẫu vậy, khả năng người tị nạn Ukraine có “an cư” ở những quốc gia Đông Âu này hay không lại là một câu hỏi khác? Rất nhiều người trong số họ, đang chỉ coi Đông Âu là một nơi tạm dừng chân, trước khi chuyển đến những quốc gia khác của châu Âu và thậm chí sang cả Mỹ, nơi họ có thể ở bên người thân hoặc có một triển vọng sống tốt hơn.
Rắc rối trong vấn đề hòa nhập
Những quốc gia phải đón nhận số lượng lớn người tị nạn như Ba Lan, có thể sẽ trở nên quá tải, khi phải tiếp nhận đa phần là người già và trẻ em, những đối tượng không có khả năng trở thành lực lượng lao động.
“Làm thế nào để một lượng lớn những người này có thể hòa nhập được trên khắp châu Âu? Đây sẽ là một vấn đề thực sự”, Giáo sư Brad Blitz của Đại học College London nói với Hãng thông tấn AFP. Ông nhấn mạnh thêm, đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng người tị nạn vẫn chưa đến.
Moldova, quốc gia nằm giữa Ukraine và Romania với dân số 2,6 triệu người, đã kêu gọi sự giúp đỡ khẩn cấp với khi phải đón nhận khoảng 100.000 người tị nạn Ukraine. Con số trên thực sự là cơn ác mộng với một quốc gia như Moldova.
 |
Moldova đã kêu gọi sự giúp đỡ khẩn cấp khi phải tiếp nhận khoảng 100.000 người tị nạn Ukraine. Ảnh: France24 |
“Chúng tôi cần hỗ trợ để đối phó với dòng chảy người tị nạn hiện nay và chúng tôi cần điều đó càng sớm càng tốt”, Thủ tướng Moldova Natalia Gavrilita nói với Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hồi cuối tuần trước.
Ông Gerald Knaus, một quan chức của Tổ chức Sáng kiến Ổn định châu Âu, cho rằng EU nên chuẩn bị ngay từ bây giờ để đối phó với cuộc di cư của hàng trăm nghìn người bên trong liên minh. Chia sẻ với hãng tin AFP, ông nói rằng việc này sẽ không diễn ra suôn sẻ nếu áp dụng đồng nhất các biện pháp mạnh, mà chỉ có thể đi theo đúng quỹ đạo nhờ sự ủng hộ của hệ thống chính trị từng quốc gia và cá nhân các chính trị gia.
Ông cũng tin rằng cuộc khủng hoảng có thể trở thành một trong những cơ hội tuyệt vời để gắn kết những người châu Âu lại với nhau vì lý do nhân đạo.
Chia sẻ cụ thể hơn về điều này, Giáo sư Sieglinde Rosenberger cho biết nhiều chính phủ vốn tìm cách hạn chế người di cư giờ đã nhanh chóng thay đổi lập trường khi người dân của họ bày tỏ sự đồng cảm với người dân Ukraine.
Tuy nhiên, bà cũng tin rằng sự chào đón cởi mở đó sẽ không thể kéo dài mãi khi "trong một vài tháng nữa, những người nghèo hơn và trình độ chuyên môn thấp hơn sẽ đến”.
BẢO ANH (Theo France24)