Trước đó một ngày, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov cũng nhấn mạnh tới sự cần thiết phải tổ chức một cuộc gặp giữa hai người đứng đầu của hai nước.
Theo ông Igor Zhovkva, Phó chánh văn phòng Tổng thống Ukraine, Tổng thống Volodymyr Zelensky sẵn sàng cho một giải pháp ngoại giao nhằm giải quyết cuộc xung đột hiện nay ở Ukraine, tuy nhiên vẫn chưa nhận được tin gì từ Tổng thống Vladimir Putin cũng như các quan chức của Nga.
Trước đó, theo hãng tin RT, phát biểu sau cuộc hội đàm với người đồng cấp Ukraine Dmytro Kuleba hôm 10-3, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cũng cho rằng một cuộc đàm phán trực tiếp giữa ông Putin và ông Zelensky là cần thiết nhằm tháo ngòi xung đột. Ngoại trưởng Sergei Lavrov nhấn mạnh, Tổng thống Nga sẵn sàng tham gia vào một cuộc đối thoại như vậy, nhưng đòi hỏi phải có sự chuẩn bị nhất định.
 |
Người tị nạn Ukraine đến một ga tàu ở thành phố Lviv để đi sơ tán. Ảnh: Reuters |
Sputnik ngày 11-3 cũng cho biết, ông Ibrahim Kalin, Người phát ngôn kiêm Cố vấn của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đã đề cập đến khả năng diễn ra cuộc gặp giữa Tổng thống Vladimir Putin và Tổng thống Volodymyr Zelensky trong tương lai gần. "Một cuộc gặp có thể diễn ra trong tương lai gần. Có nhiều lý do để tin rằng điều này sẽ diễn ra dù sớm hay muộn. Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiếp tục đóng vai trò tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc gặp này”, ông Kalin phát biểu trên truyền hình.
Về phần mình, Tổng thống Nga Vladimir Putin tiết lộ đã có một số tiến triển trong các cuộc đàm phán giữa nước này với Ukraine, nhưng không cung cấp thêm chi tiết. “Như các nhà đàm phán của Nga đã thông báo với tôi, đàm phán đã có một số tiến triển”, Interfax trích dẫn phát biểu của ông Putin sau cuộc gặp với Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko.
Theo Reuters, trong khi khả năng diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh Nga-Ukraine vẫn còn bỏ ngỏ, ông Oleg Ustenko, Cố vấn kinh tế của Tổng thống Ukraine ngày 10-3 cho biết, chiến sự diễn ra tại Ukraine trong hơn hai tuần vừa qua đã khiến nước này thiệt hại ít nhất 100 tỷ USD, bao gồm thiệt hại về cầu đường, bệnh viện, thiết bị và các tài sản khác. Phát biểu tại một sự kiện trực tuyến, ông Ustenko nhấn mạnh thêm rằng, thiệt hại này mới chỉ là con số "ước chừng", đồng thời cho biết đã có 50% doanh nghiệp Ukraine phải đóng cửa hoàn toàn và số còn lại cũng đang hoạt động dưới công suất.
Cùng ngày, Điện Kremlin thừa nhận nền nền kinh tế Nga đang trải qua một cú sốc và Moscow đang thực hiện các biện pháp nhằm giảm bớt tác động của các lệnh trừng phạt nhằm vào nước này. Theo lời Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov, nền kinh tế Nga hiện đang trải qua một cú sốc và có những hậu quả tiêu cực, song những tác động này sẽ được giảm thiểu. Ông Peskov cũng nhấn mạnh, phương Tây đang phát động "một cuộc chiến tranh kinh tế chưa từng có" nhằm vào Nga, nhưng Moscow đang thực hiện các biện pháp để làm dịu và ổn định tình hình.
Về phần mình, Tổng thống Vladimir Putin khẳng định nước Nga sẽ vượt qua cuộc khủng khoảng hiện nay, đồng thời cảnh báo các lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga liên quan vấn đề Ukraine sẽ gây bất ổn các thị trường năng lượng và thực phẩm toàn cầu, cụ thể là có thể khiến giá lương thực, thực phẩm toàn cầu tăng cao. Bên cạnh đó, ông Putin cho rằng các lệnh trừng phạt của phương Tây đã bắt đầu gây tổn hại cho chính nước Mỹ và châu Âu.
Liên quan tới tình hình chiến sự tại Ukraine, Bộ Quốc phòng Nga ngày 10-3 thông báo sẽ mở các hành lang nhân đạo cho hoạt động sơ tán ở Ukraine vào 10 giờ (theo giờ Moscow) hằng ngày. Ngoài ra, phía Nga cũng đề nghị Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc triệu tập một cuộc họp để thảo luận những cáo buộc của Moscow về các chương trình sinh học của Mỹ tại Ukraine. Trước đó, Mỹ đã bác bỏ cáo buộc này.
AFP cho hay, Người phát ngôn Tổ chức Di cư quốc tế của Liên hợp quốc Paul Dillon ngày 11-3 cho biết, kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine đến nay đã có 2,5 triệu người rời khỏi Ukraine đi lánh nạn.
ANH VŨ