Tại hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) diễn ra ở Pháp trong hai ngày 10 và 11-3, lãnh đạo của 27 nước thành viên EU đã lên án những hành động mà Nga đang thực hiện tại Ukraine, tuy nhiên họ từ chối lời đề nghị của Kiev về việc nhanh chóng kết nạp quốc gia này thành thành viên EU.
Theo Reuters, cuộc xung đột Nga-Ukraine đã phá vỡ trật tự an ninh của châu Âu, thúc đẩy các quốc gia EU phải suy nghĩ lại về mô hình phát triển tương lai cũng như các định hướng chính sách kinh tế, quốc phòng và năng lượng của khối. EU đã nhanh chóng áp đặt các biện pháp trừng phạt sâu rộng và cung cấp hỗ trợ quân sự, kinh tế cho Ukraine sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt. Tuy nhiên, nội bộ khối đang xuất hiện những chia rẽ liên quan tới vấn đề đẩy nhanh quá trình kết nạp Ukraine thành thành viên EU cũng như lộ trình giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch của Nga.
 |
Các nhà lãnh đạo có mặt tại Pháp để tham dự Hội nghị Thượng đỉnh EU. Ảnh: Reuters
|
Một số quốc gia Đông Âu và Baltic muốn EU ngay lập tức kết nạp Ukraine làm thành viên theo quy trình rút gọn nhưng các nước như Đức, Pháp, Hà Lan… cho rằng dù EU hiện đã coi Ukraine là một thành viên nhưng việc kết nạp nước này này cần trải qua một quy trình chặt chẽ, mất ít nhất vài năm.
“Không quốc gia nào gia nhập Liên minh châu Âu chỉ sau một đêm”, Thủ tướng Croatia Andrej Plenkovic cho biết sau khi cuộc hội đàm giữa các nhà lãnh đạo 27 quốc gia thành viên EU kết thúc vào sáng 11-3 (giờ Pháp), tương đương chiều 11-3 (giờ Việt Nam).
Dù Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel vẫn khẳng định “Ukraine thuộc về gia đình châu Âu”, nhưng rõ ràng EU sẽ không lập tức để Kiev gia nhập khối như lời kêu gọi trước đó mà Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky từng đưa ra.
Trước đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã tuyên bố tại Hội nghị thượng đỉnh của khối rằng, việc bắt đầu đàm phán cho một nước đang có chiến sự gia nhập EU là không thực tế.
Pháp-quốc gia hiện là Chủ tịch luân phiên EU-chủ trương thiết lập một thể thức mới giúp EU và ba đối tác gồm: Ukraine, Gruzia và Moldova, xích lại gần nhau hơn thông qua tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế, giáo dục, nghiên cứu và chính trị. Pháp sẽ đề xuất châu Âu mời các lãnh đạo của Ukraine, Gruzia và Moldova thường xuyên tham dự các cuộc họp quan trọng của khối trong thời gian tới.
HÀ LAN
Nhiều quốc gia châu Âu đang nỗ lực cắt giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung khí đốt của Nga trong bối cảnh xung đột Nga-Ukraine chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Tuy nhiên, đây không phải là một nhiệm vụ dễ dàng.
Ngày 1-3, Reuters đưa tin Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã ký văn bản chính thức đề nghị cho Ukraine gia nhập Liên minh châu Âu (EU).