Nhà lãnh đạo Ukraine đồng thời hối thúc EU ngay lập tức trao tư cách thành viên của khối cho nước này thông qua một thủ tục đặc biệt mới.
Cùng ngày, tổng thống của 8 quốc gia Trung và Đông Âu là thành viên EU gồm Bulgaria, Séc, Estonia, Latvia, Litva, Ba Lan, Slovakia và Slovenia đã công bố một bức thư ngỏ kêu gọi EU thực hiện các bước để ngay lập tức cấp cho Ukraine tư cách ứng cử viên chính thức và bắt đầu quá trình đàm phán gia nhập.
 |
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cùng văn bản chính thức đề nghị cho nước này gia nhập EU. Ảnh: The Wall Street Journal |
Tuy nhiên, đáp lại đề nghị này, Đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại của EU Josep Borrell cho biết, mọi nỗ lực trở thành thành viên khối này đều có thể “mất nhiều năm”. Trước đó, trả lời phỏng vấn của hãng tin Euronews ngày 27-2, Chủ tịch EC Ursula von der Leyen bày tỏ sự ủng hộ đối với việc Ukraine trở thành thành viên của khối nhưng bà cũng khẳng định việc gia nhập sẽ không diễn ra ngay lập tức.
Thông thường, những nước có nguyện vọng gia nhập EU thường phải đối mặt với một quá trình lâu dài và phức tạp, đòi hỏi những cải cách lớn để đáp ứng các tiêu chuẩn của khối. Những nước này cũng phải chứng minh rằng hệ thống tài chính đang đi theo hướng tạo thuận lợi cho việc chấp nhận đồng euro. Ngay cả các nước Balkan như Bắc Macedonia, đang thực hiện những thay đổi như vậy, cũng đã mất nhiều năm chờ đợi để trở thành ứng cử viên chính thức cho các cuộc đàm phán gia nhập EU. Chưa kể hiện nay, một số quốc gia thành viên EU, bao gồm cả Pháp, ngày càng tỏ ra thận trọng với việc kết nạp thêm thành viên cho khối.
Theo chia sẻ của ông Josep Borrell, ở thời điểm hiện tại, ưu tiên của EU vẫn tập trung vào việc hỗ trợ Ukraine giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay hơn là thảo luận về các kế hoạch dài hạn có thể mất nhiều năm. Tuy vậy, quan chức này cũng để ngỏ khả năng các nhà lãnh đạo EU sẽ thảo luận và xem xét việc thúc đẩy kế hoạch gia nhập khối của Ukraine trong cuộc họp không chính thức của Hội đồng châu Âu dự kiến diễn ra vào ngày 10 và 11-3 tới.
Kiev từ lâu đã tìm cách gia nhập EU. Tuy nhiên, một trong những điều kiện mà EU từng đưa ra là Ukraine cần tiến hành cải cách để kiểm soát nạn tham nhũng. Hiện Ukraine vẫn chưa phải là ứng cử viên chính thức cho các cuộc đàm phán gia nhập EU.
Trong khi đó, đối với Nga, khả năng Ukraine gia nhập EU và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) là một trong các nguyên nhân khiến Moscow lo ngại về an ninh. Tại cuộc điện đàm với người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron ngày 28-2, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhấn mạnh các lợi ích an ninh chính đáng của Nga phải được tôn trọng vô điều kiện, bao gồm việc công nhận chủ quyền của Nga đối với Crimea, hoàn thành mục tiêu phi quân sự hóa Ukraine và bảo đảm vị thế trung lập của Kiev.
Tuy nhiên, những diễn biến mới nhất xung quanh tình hình Ukraine cho thấy những yêu cầu về an ninh của Nga sẽ khó được đáp ứng trong một sớm một chiều. Theo DW, các nước phương Tây đang tăng cường cung cấp vũ khí và trang thiết bị quân sự cho Ukraine. Nguồn tin này cho biết, EU sẽ chi 450 triệu euro mua vũ khí và thiết bị quân sự cho Ukraine. Đức cũng cho biết sẽ cung cấp cho Ukraine 1.000 vũ khí chống tăng và 500 tên lửa đất đối không Stinger từ kho dự trữ của nước này. Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Hà Lan cho biết họ đang chuyển tên lửa và súng trường để hỗ trợ lực lượng vũ trang Ukraine.
Trước đó, Bộ Ngoại giao Nga cảnh báo những nước cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine sẽ phải chịu trách nhiệm nếu những vũ khí này được sử dụng trong quá trình Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại đây.
Phản ứng trước tình hình phức tạp và khó lường tại Ukraine, đêm 28-2 (theo giờ Việt Nam), Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) đã chính thức tổ chức phiên họp đặc biệt với sự tham dự của 193 quốc gia thành viên. Phiên họp là cơ hội để các quốc gia thành viên bày tỏ quan điểm của mình về cuộc xung đột Nga-Ukraine đang diễn ra, cũng như lên tiếng thúc đẩy các bên tìm kiếm giải pháp hòa bình.
Dự kiến, sau khi 193 nước thành viên LHQ phát biểu ý kiến trong 3 ngày diễn ra phiên họp đặc biệt, Đại hội đồng LHQ sẽ tiến hành bỏ phiếu vào ngày hôm nay (2-3) để thông qua một nghị quyết yêu cầu Nga rút quân khỏi Ukraine. Nếu nhận được 70% phiếu ủng hộ, nghị quyết sẽ được thông qua. Tuy nhiên, các nghị quyết của Đại hội đồng LHQ mang tính biểu tượng là chủ yếu, không có tính ràng buộc thực thi.
BẢO CHÂU