“Khủng hoảng di cư lớn nhất thế kỷ”

Theo báo cáo của Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR), kể từ ngày 24-4 tới nay, xung đột Nga – Ukraine đã khiến 2,2 triệu người phải rời khỏi Ukraine sang lánh nạn tại các quốc gia láng giềng. Phần lớn trong số họ là phụ nữ và trẻ em bởi luật của Ukraine ngăn cấm những người đàn ông trong độ tuổi chiến đấu rời khỏi đất nước. Cơ quan này ước tính chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine có thể sẽ buộc tổng cộng hơn 4 triệu người phải rời khỏi Ukraine, tương đương 9% dân số nước này.

Những số liệu hằng ngày cho thấy tốc độ di cư nhanh chưa từng thấy kể từ Chiến tranh thế giới lần thứ 2. Sau khi hơn 82.000 người chạy khỏi Ukraine ngày 24-2 (ngày đầu tiên chiến dịch quân sự diễn ra), mỗi ngày sau đó có thêm ít nhất 117.000 người rời quốc gia này. Con số cao nhất 200.000 người được ghi nhận vào ngày 1-3. Với tốc độ và quy mô như hiện tại, UNHCR cho rằng làn sóng di cư rời khỏi Ukraine có thể trở thành “cuộc khủng hoảng di cư lớn nhất thế kỷ này” và “tồi tệ nhất kể từ Thế chiến thứ II”.

 

Cho đến nay, phần lớn những người chạy trốn khỏi cuộc xung đột đã sang lánh nạn ở một số quốc gia láng giềng với Ukraine như Ba Lan, Hungary, Moldova, Slovakia và Romania. Hàng nghìn người khác lại tìm đến các quốc gia xa hơn như Đức, Pháp và Ireland.

Theo thống kê của UNHCR, kể từ khi xung đột xảy ra, Ba Lan, quốc gia có đường biên giới dài 531km với Ukraine, đã tiếp nhận hơn ½ tổng số người chạy sang các quốc gia láng giềng lánh nạn (>1,4 triệu người) . Trong khi đó, Hungary, Slovakia và Romania, mỗi nước tiếp nhận nhận hàng chục nghìn người. Các quốc gia châu Âu khác đã tiếp nhận tổng cộng khoảng 210.000 người tị nạn. Gần 100.000 người đã rời Ukraine đến Nga.

Thách thức lớn

Bà Ylva Johansson, Ủy viên của Liên minh châu Âu (EU) về các vấn đề nội vụ, mới đây đã cảnh báo cuộc khủng hoảng người tị nạn Ukraine là “thách thức lớn” đối với khối này và chắc chắn sẽ càng trở nên trầm trọng, nhưng cũng khẳng định sự đoàn kết “chưa từng có” giữa 27 quốc gia thành viên trong vấn đề này.

Bà nói rằng, mọi thứ đang trở nên tồi tệ hơn và sẽ có thêm “nhiều triệu người nữa” phải chạy trốn khỏi cuộc xung đột. Đặc biệt, tình hình sẽ trở nên nghiêm trọng hơn khi những người tị nạn đến sau không có người thân hoặc bạn bè tại các nước EU. “Đây thực sự, thực sự là một thách thức lớn. Nó đã là một thách thức lớn nhưng nó sẽ trở nên tồi tệ hơn, chúng tôi phải chuẩn bị cho điều đó" bà Johansson nói.    

Khi dòng người tị nạn đổ về các quốc gia láng giềng để lánh nạn, Liên minh châu Âu đã nhanh chóng có những biện pháp nhằm đối phó với một trong những cuộc khủng hoảng gia tăng nhanh nhất ở châu lục này. Một trong số đó là quyết định miễn thị thực, cho phép những người tị nạn có thể sống và làm việc tại bất cứ quốc gia thành viên nào trong thời gian 3 năm.

Trong khi đó, các quốc gia thành viên cũng đã có nhiều biện pháp hỗ trợ người tị nạn. Ba Lan đã thiết lập các trung tâm tiếp nhận dọc biên giới với Ukraine để hỗ trợ người tị nạn về thức ăn, chỗ ở và y tế. Nhiều người từ khắp các quốc gia châu Âu đã đến khu vực biên giới để giúp đỡ. Tại Đức, để tiếp nhận những người đến từ Ukraine, các nhà chức trách đã mở lại các trại tị nạn được sử dụng trong giai đoạn 2015-2016. Người dân Đức cũng đã đổ xô đến Nhà ga Trung tâm Berlin để cung cấp thức ăn và chỗ ở cho những người tị nạn từ Ba Lan đổ về.

Một bé gái tị nạn Ukraine nhìn qua cửa sổ khi đến ga Zahony ở Hungary. Ảnh: Getty Immages

Tuy nhiên, đây mới chỉ là những biện pháp tạm thời. Về lâu dài, phải có những biện pháp để giúp những người tị nạn có được cuộc sống ổn định. Theo bà Johansson, mối “quan ngại lớn” nhất hiện nay chính là việc chăm sóc một số lượng lớn trẻ em vì đối tượng này chiếm gần ½ tổng số người tị nạn băng qua biên giới. Việc quan trọng mà EU đang quan tâm là tạo ra một sự bình thường nhất định để trẻ có thể được đến trường hoặc được chăm sóc. Điều này cũng sẽ khiến các bậc phụ huynh yên tâm để có thể làm việc và trở thành một phần của xã hội.

Bên cạnh đó, việc nhiều trẻ em tị không có người lớn đi cũng là một thách thức lớn được các quốc gia châu Âu quan tâm bởi đây là đối tượng dễ bị các đối tượng xấu tiếp cận. Hiện tại, EU đang kích hoạt một mạng lưới bảo vệ những trẻ em không có người lớn đi kèm trước nguy cơ từ các băng nhóm buôn người.

Bà Johansson nói rằng cho đến nay các nước thành viên EU khác đang "hợp tác" trong việc tiếp nhận người tị nạn và chưa cần thiết phải thiết lập một quy trình chính thức để phân loại lại các nhóm đối tượng tị nạn. Tuy nhiên, về lâu dài, để việc hỗ trợ được hiệu quả hơn, việc phân loại các nhóm là cần thiết. Ví dụ các nhóm đặc biệt như trẻ em có nhu cầu đặc biệt, trẻ mồ côi, trẻ vị thành niên không có người đi kèm, những người có tình trạng sức khỏe đặc biệt hoặc khuyết tật.

Mới đây, Brussels đã công khoản tài trợ khẩn cấp ban đầu 500 triệu Euro để giúp giải quyết các hậu quả nhân đạo do chiến tranh. Các quan chức cũng đang nỗ lực để có thêm nhiều khoản hỗ trợ bổ sung giúp người tị nạn sớm hòa nhập.

TRẦN HOÀI (Tổng hợp)