Hằng ngày, ông Al-Laham đến quán cà phê. Sau khi đội mũ và mặc bộ quần áo truyền thống của Syria, ông Al-Laham ngồi vào một chiếc ghế gỗ và cầm sách, bắt đầu kể chuyện. Ông Al-Laham tự coi mình là cầu nối giữa quá khứ và hiện tại.

Ông cho biết: “Tôi kể các câu chuyện xưa để thế hệ trẻ hiểu được những giá trị của quá khứ”.

leftcenterrightdel
Ảnh: vtv.vn 

Theo ông Al-Laham, Hakawati cần phải có hiểu biết và kiến thức văn hóa sâu sắc để giúp người nghe trân trọng câu chuyện hơn. Sau hơn 15 năm làm nghề này, ông đã trau dồi kỹ năng của mình để khiến các nhân vật trở nên sống động thông qua giọng nói và cử chỉ.

“Chiếc ghế giống như một sân khấu nhỏ, nơi tôi đóng tất cả các vai trong câu chuyện để mọi người tương tác với nhân vật”, ông Al-Laham giải thích.

Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng kinh tế và bất ổn chính trị đang diễn ra ở Syria, nhiều người dân nước này đang chuyển sang các hình thức giải trí truyền thống để giải khuây và nhớ về những ngày tốt đẹp. Hakawati có từ thời chưa có truyền hình và internet. Đàn ông tụ tập tại các quán cà phê để nghe những câu chuyện về tình yêu và chiến tranh. Những câu chuyện này không chỉ mang tính chất giải trí mà còn truyền đạt kiến thức lịch sử và bài học cuộc sống.

Ngày nay, khi phương tiện truyền thông kỹ thuật số bùng nổ, việc nhiều người dân tìm đến Hakawati thể hiện niềm khao khát hoài niệm về một thời kỳ đơn giản hơn. Nhấn mạnh vai trò thiết yếu của Hakawati, ông Saleh al-Rabbat, chủ quán cà phê Al-Nofara cho biết: “Những Hakawati đã có mặt ở Al-Nofara từ hơn 100 năm trước. Việc trình diễn của Hakawati chưa bao giờ dừng lại, bởi vì đó là di sản của chúng tôi”.

TÚ ANH

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.