Theo The Guardian, ông Malpass sẽ rời vị trí Chủ tịch WB trước khi nhiệm kỳ kết thúc khoảng một năm. Ông Malpass không đưa ra lý do cụ thể cho quyết định này mà chỉ cho biết: “Sau khi suy nghĩ kỹ, tôi đã quyết định theo đuổi những thách thức mới. Đây là cơ hội để chuyển đổi lãnh đạo một cách suôn sẻ khi WB hoạt động để đáp ứng những thách thức toàn cầu ngày càng gia tăng”.

Trong một tuyên bố, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen nhấn mạnh, nước này sẽ sớm đề cử người kế nhiệm ông Malpass và mong muốn Hội đồng quản trị của WB thực hiện “quy trình đề cử nhà lãnh đạo tiếp theo một cách minh bạch, nhanh chóng và dựa trên thành tích”.

leftcenterrightdel
Chủ tịch WB David Malpass sẽ từ chức vào cuối tháng 6 tới. Ảnh: The New York Times 

Ông Malpass giữ vị trí Chủ tịch WB từ tháng 4-2019 với nhiệm kỳ 5 năm. Hồi tháng 9-2022, ông Malpass đã hứng chịu nhiều chỉ trích từ Nhà Trắng cũng như các nhà hoạt động khí hậu sau khi từ chối xác nhận về việc cá nhân ông có ủng hộ đồng thuận khoa học rằng việc đốt nhiên liệu hóa thạch đang làm hành tinh nóng lên một cách nguy hiểm hay không tại một hội nghị về vấn đề tài chính chống biến đổi khí hậu.

Theo truyền thống, vị trí lãnh đạo WB thường do một nhân sự đến từ Mỹ-cổ đông lớn nhất của Ngân hàng nắm giữ, trong khi một người châu Âu sẽ đứng đầu Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Hiện các nước đang phát triển và thị trường mới nổi đang cố gắng mở rộng những lựa chọn đó.

Sau khi ông Malpass rời đi, ai sẽ trở thành tân Chủ tịch WB, người phụ trách giám sát hàng tỷ USD viện trợ tài chính cho việc xóa đói, giảm nghèo, ứng phó với biến đổi khí hậu, cứu trợ khẩn cấp cùng nhiều vấn đề khác ở các nước đang phát triển trên toàn cầu? Đó là vấn đề đang được dư luận quan tâm ở thời điểm hiện nay.

Trong bài viết mới đây, hãng tin Reuters đã đưa ra danh sách một số ứng cử viên tiềm năng. Đây là những gương mặt đang được các quan chức Mỹ, giới chuyên gia về biến đổi khí hậu và các nhà phát triển toàn cầu quan tâm. Đầu tiên là bà Samantha Power, hiện đang lãnh đạo Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID), đồng thời là một nhà vận động nhân quyền lâu năm, nhà ngoại giao và cựu nhà báo. Bà từng là Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc (LHQ) dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama.

Thứ hai là ông Rajiv Shah, cựu lãnh đạo USAID dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama và hiện là Chủ tịch Quỹ Rockefeller, một tổ chức từ thiện có mục đích thúc đẩy hạnh phúc của nhân loại trên toàn thế giới. Tổ chức này gần đây đã hợp tác với Bộ Ngoại giao Mỹ trong chương trình bù đắp phát thải khí CO2 tại Hội nghị lần thứ 27 các bên tham gia Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (COP27) tại Ai Cập hồi tháng 11-2022.

Đứng vị trí thứ ba là bà Minouche Shafik. Bà Shafik là một nhà kinh tế người Mỹ gốc Ai Cập, hiện là Chủ tịch của Trường Kinh tế và Khoa học chính trị London. Bà từng là Phó thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) và Phó tổng giám đốc IMF. Gương mặt cuối cùng trong danh sách của Reuters là ông Wally Adeyemo, Thứ trưởng Bộ Tài chính Mỹ, người đã đóng vai trò lãnh đạo trong việc điều phối các lệnh trừng phạt cùng những biện pháp khác chống lại Nga nhằm cắt giảm nguồn tài chính cho cuộc xung đột ở Ukraine.

Các quốc gia đang phát triển ngày càng thất vọng với nguồn vốn ít ỏi của WB dành cho việc theo đuổi năng lượng sạch và giúp họ thích nghi với tác động của thời tiết khắc nghiệt. Trong khi đó, LHQ, các nhà lãnh đạo thế giới và một số nhóm môi trường đã hối thúc WB tăng cường nỗ lực giải quyết những thách thức toàn cầu, bao gồm biến đổi khí hậu.

Hồi tháng 11-2021, cố vấn đặc biệt của Tổng thư ký LHQ về hành động khí hậu Selwin Hart đã chỉ trích WB vì đã “loay hoay trong khi thế giới đang nóng lên” và nói rằng tổ chức này “liên tục hoạt động kém hiệu quả” trong hành động vì khí hậu.

Giới chuyên gia nhận định, tân Chủ tịch WB cần phải là người có năng lực cải tổ tổ chức tài chính đa phương này để tập trung nhiều hơn vào cuộc khủng hoảng khí hậu. Ông Jake Schmidt, Giám đốc chiến lược về khí hậu tại Hội đồng bảo vệ tài nguyên thiên nhiên Mỹ, nhận định: “Sự ra đi của ông Malpass cho phép WB nhấn nút thiết lập lại và cam kết thực hiện vai trò lãnh đạo trong lĩnh vực tài chính khí hậu. Thế giới cần nguồn tài chính khí hậu ngày càng nhiều hơn để đáp ứng quy mô của cuộc khủng hoảng khí hậu và nhu cầu của các nước đang phát triển”.

LÂM ANH