Theo Phó thủ tướng Ukraine Iryna Vereshchuk, Moscow đã cam kết tôn trọng thỏa thuận ngừng bắn trong khoảng thời gian từ 9 giờ đến 21 giờ ngày 9-3 (14 giờ ngày 9-3 đến 2 giờ sáng 10-3 giờ Việt Nam) xung quanh 6 khu vực bị ảnh hưởng nặng nề bởi giao tranh, bao gồm cả các khu vực gần thủ đô Kiev, thành phố Zaporizhzhia ở miền Nam và một số vùng phía đông bắc Ukraine.
Người dân ở các khu vực quanh thủ đô, trong đó có thị trấn Irpin và Bucha ở phía tây bắc, sẽ được sơ tán tới Kiev. Hơn 5.000 người ở thành phố Sumy, nằm gần biên giới Nga và là điểm nóng chiến sự, cũng đã được sơ tán.
Trước đó, ngày 8-3, quân đội Nga đã thực thi lệnh ngừng bắn để tạo điều kiện sơ tán dân thường theo các hành lang nhân đạo được mở tại thủ đô Kiev và 4 thành phố khác của Ukraine, gồm: Cherhihiv, Sumy, Kharkov và Mariupol.
 |
Người dân Ukraine tập trung dưới một cây cầu ở ngoại ô Kiev. Ảnh: AP
|
Liên quan tới chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine, ngày 9-3, Bộ Quốc phòng Nga cho biết, các lực lượng vũ trang của nước này trong quá trình làm nhiệm vụ đã thu giữ được tài liệu quân sự mật của quân đội Ukraine.
Thiếu tướng Igor Konashenkov, Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga, cho hay: “Tài liệu gốc này vốn là của Bộ chỉ huy Vệ binh quốc gia Ukraine, trong đó đề cập đến công tác chuẩn bị của Kiev cho một chiến dịch tấn công vào Donbass trong tháng 3-2022”.
Ông cũng nhấn mạnh việc Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine nhằm đánh phủ đầu và làm vô hiệu hóa cuộc tấn công quy mô lớn mà quân đội Ukraine dự kiến thực hiện nhằm vào hai nước cộng hòa tự xưng Donetsk và Luhansk.
Trong khi đó, giới lãnh đạo Ukraine vẫn luôn khẳng định họ không có kế hoạch sử dụng biện pháp quân sự đối với khu vực Donbass và Kiev mong muốn giải quyết tất cả các vấn đề xung đột bằng biện pháp chính trị, ngoại giao.
Cũng trong ngày 9-3, Nga tiếp tục hứng chịu những đòn trừng phạt mới của các quốc gia phương Tây. Theo hãng tin AFP (Pháp), Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí bổ sung 160 cá nhân là những quan chức cấp cao và những người có ảnh hưởng tại Nga vào danh sách trừng phạt, siết chặt các quy định về chuyển tiền điện tử và nhắm tới lĩnh vực hàng hải của nước này.
Về phía Mỹ, quốc gia này đã công bố lệnh cấm nhập khẩu dầu và các sản phẩm năng lượng khác của Nga-“một đòn đánh vào huyết mạch kinh tế Nga” theo như lời mô tả của ông chủ Nhà Trắng Joe Biden. Theo các chuyên gia phân tích, dù dầu thô và sản phẩm hóa dầu từ Nga chỉ chiếm 8% tổng lượng nhập khẩu nhiên liệu dạng lỏng vào Mỹ, nhưng một lệnh trừng phạt trực tiếp nhằm vào ngành năng lượng của Moscow sẽ tạo ra nhiều rủi ro làm gia tăng sự bất ổn của thị trường dầu mỏ và đẩy giá “vàng đen” đi lên.
Điều này đã được thấy rõ khi ngày 9-3, giá dầu tiếp tục leo thang. Giá khí đốt và dầu thô bán buôn của EU cũng đã tăng cao kỷ lục trong tuần này do lo ngại gián đoạn nguồn cung từ Nga.
Cùng ngày, Bộ trưởng Kinh tế Pháp Bruno Le Maire cảnh báo tình trạng tăng giá năng lượng do những ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine sẽ gây ra những tác động ngang cú sốc dầu mỏ năm 1973.
Ngoài công bố biện pháp trừng phạt nhằm vào các sản phẩm năng lượng của Nga, Mỹ cũng thông báo sẽ triển khai hai tổ hợp phòng thủ tên lửa Patriot tới Ba Lan. Phía Mỹ cho rằng, quyết định này sẽ cho phép chống lại mọi mối đe dọa tiềm tàng nhằm vào Washington, các lực lượng đồng minh và lãnh thổ của các nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Trong khi đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết nước này không còn thúc đẩy yêu cầu gia nhập NATO. Trong cuộc trả lời phỏng vấn ABC News, khi được hỏi liệu ông có sẵn sàng từ bỏ nỗ lực gia nhập NATO vào một thời điểm nào đó hay không, Tổng thống Zelensky trả lời: "Tôi đã kém mặn mà với vấn đề này sau khi nhận ra rằng NATO không sẵn sàng chấp nhận Ukraine".
Nga luôn coi xu hướng mở rộng về phía Đông của NATO là mối đe dọa an ninh và xem việc nước láng giềng Ukraine gia nhập liên minh là "lằn ranh đỏ".
Ukraine đã nhiều lần bày tỏ mong muốn gia nhập NATO, thậm chí đưa mục tiêu trở thành thành viên khối này vào trong Hiến pháp sửa đổi năm 2019. Tuy nhiên, việc NATO mới đây từ chối thiết lập vùng cấm bay nhằm ngăn chặn máy bay Nga hoạt động trên bầu trời Ukraine đã buộc Kiev phải nhìn nhận lại mục tiêu gia nhập liên minh.
GIA HUY