Theo Tass, sau khi Tổng thống D.Trump đặt ra thời hạn 50 ngày để đạt thỏa thuận với Ukraine nhằm chấm dứt xung đột, Phó chủ tịch Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Konstantin Kosachev ngày 15-7 khẳng định tuyên bố đe dọa này của nhà lãnh đạo Mỹ sẽ không ảnh hưởng đến lập trường của Moscow. Theo ông, trong thời hạn đó có thể có nhiều thay đổi cả trên chiến trường lẫn trong tâm trạng của những người nắm quyền ở Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Trong khi đó, Phó chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Duma Quốc gia (Hạ viện) Alexei Zhuravlev chỉ ra rằng các mức thuế quan thứ cấp chủ yếu sẽ ảnh hưởng đến chính nước Mỹ chứ không phải Nga, vì kim ngạch song phương chỉ ở mức 8 tỷ USD. Còn theo Phó chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Andrei Klimov, những lời đe dọa của Tổng thống D.Trump không mang ý nghĩa "thảm họa" nào đối với Liên bang Nga, mà chỉ nhằm mục đích nâng cao tỷ lệ ủng hộ của ông.

Tổng thống Donald Trump thông báo về thỏa thuận chuyển vũ khí Mỹ tới Ukraine thông qua NATO tại Nhà Trắng, ngày 14-7. Ảnh: Sputnik

Trước đó, ngày 14-7, Tổng thống D.Trump đã tuyên bố cho thấy sự mất kiên nhẫn với Nga khi ra tối hậu thư 50 ngày gây sức ép lên Moscow và xoay ngược chính sách vũ khí đối với Ukraine. Cụ thể, kế hoạch này bao gồm việc cấp thêm vũ khí cho Kiev thông qua bán vũ khí cho châu Âu và NATO, đồng thời đe dọa tăng trừng phạt kinh tế nhằm vào Moscow nếu Nga không đạt được hòa bình với Ukraine trong vòng 50 ngày tới. Nga có thể phải đối mặt với các gói trừng phạt kinh tế "chưa từng có tiền lệ" nếu không có dấu hiệu giảm leo thang xung đột. Các biện pháp này có thể nhắm vào những lĩnh vực cốt lõi của nền kinh tế Nga như năng lượng, tài chính và các cá nhân, tổ chức liên quan đến Chính phủ Nga.

Các động thái này đánh dấu cách tiếp cận mới của ông chủ Nhà Trắng đối với xung đột Nga-Ukraine. So với chính sách “không can dự sâu” trước đây, quyết định bán 10 tỷ USD vũ khí cho châu Âu và NATO để gián tiếp viện trợ Ukraine, kết hợp đe dọa áp thuế quan 100% và “thuế quan thứ cấp” vào các đối tác mua dầu Nga cho thấy Nhà Trắng thúc đẩy chiến lược vừa gây áp lực kinh tế lên Nga vừa tăng cường viện trợ quân sự cho Ukraine.

Theo CNN, bằng cách để các đồng minh châu Âu và NATO mua vũ khí Mỹ rồi chuyển cho Ukraine, ông D.Trump muốn tránh bị chỉ trích là lật lại chính sách của chính mình về việc giảm vai trò của Mỹ trong cuộc xung đột vũ trang kéo dài giữa Nga và Ukraine. Ngoài ra, việc này cũng mang thêm cho nước Mỹ một lượng lớn tiền bằng việc bán các tổ hợp Patriot (mỗi tổ hợp có giá khoảng 1 tỷ USD) cho châu Âu để chuyển cho Ukraine. Giới phân tích cho rằng, Washington không những hưởng lợi kinh tế mà còn duy trì vai trò điều phối chiến lược, tránh bị chỉ trích là “ném tiền nuôi chiến tranh” như dưới thời chính quyền tiền nhiệm.

Cũng thông qua chiến lược viện trợ vũ khí cho Ukraine của mình, Mỹ và các đồng minh phương Tây kỳ vọng việc tăng cường viện trợ sẽ giúp Ukraine củng cố vị thế trên chiến trường và tạo lợi thế trên bàn đàm phán với Moscow. Tuy nhiên, theo bà Jennifer Kavanagh, chuyên gia tại tổ chức nghiên cứu Defense Priorities, chiến lược viện trợ quân sự vô thời hạn cho Ukraine là “không bền vững”, bởi kho dự trữ vũ khí hiện có ở châu Âu và Mỹ đều có giới hạn. Dù châu Âu có thể đặt mua thêm vũ khí nhưng các đơn hàng đó có thể mất hàng tháng, thậm chí hàng năm để đến nơi.

Tổng thư ký NATO Mark Rutte mô tả thỏa thuận của Mỹ và châu Âu về viện trợ vũ khí cho Ukraine là nhân tố “thay đổi cuộc chơi”. Ông đề cập một số quốc gia như: Đức, Phần Lan, Đan Mạch, Thụy Điển và Na Uy như các nhà cung cấp tiềm năng vũ khí cho Ukraine.

Tuy nhiên, theo ông Leonid Slutsky, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Duma Quốc gia Nga, nếu ông D.Trump thực sự muốn thúc đẩy tiến trình giải quyết vấn đề Ukraine thì ông ấy nên “giơ nắm đấm” với chính quyền Ukraine chứ không phải đe dọa Nga bằng các biện pháp trừng phạt thứ cấp.

Ông Slutsky nhắc lại rằng, Nga đã nhiều lần tuyên bố sẵn sàng kết thúc xung đột và mọi đề xuất của Nga vẫn đang để ngỏ trên bàn đàm phán. Hiện Nga chưa đưa ra bình luận chi tiết về việc cung cấp thêm hệ thống Patriot và các vũ khí tấn công tầm xa khác cho Ukraine, song trong quá khứ, nước này luôn coi việc phương Tây viện trợ vũ khí cho Ukraine là hành động leo thang căng thẳng và trực tiếp kéo dài xung đột.

Nga đang cho thấy lập trường trước sau như một trong vấn đề Ukraine cho dù phải đối mặt với các biện pháp trừng phạt hay tối hậu thư. Nga tiếp tục nhấn mạnh lập trường sẵn sàng đàm phán nhưng theo các điều kiện của riêng mình, đồng thời bác bỏ những áp lực từ bên ngoài.

Rõ ràng, đòn bẩy thương mại và viện trợ vũ khí cho Ukraine có thể tạo áp lực chính trị nào đó đối với Nga, nhưng chưa thể đủ để Moscow thay đổi những tính toán chiến lược của mình, nhất là khi Moscow vẫn tự tin về ưu thế năng lượng và vị thế trên bàn đàm phán hiện nay.

XUÂN PHONG

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.