Reuters ngày 6-12 dẫn thông báo của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, DCA được ký bởi Bộ trưởng Quốc phòng nước này Lloyd Austin và người đồng cấp Thụy Điển Pål Jonson. Thông báo nhấn mạnh Thụy Điển là “một đối tác quốc phòng mạnh, có năng lực, ủng hộ các giá trị của NATO”. DCA sẽ tạo điều kiện để Mỹ và Thụy Điển mở rộng quan hệ đối tác an ninh chặt chẽ, thúc đẩy hợp tác trong các hoạt động an ninh đa phương và cùng nhau tăng cường an ninh xuyên Đại Tây Dương.

DCA thể hiện cam kết của Mỹ trong việc tăng cường quan hệ đối tác quốc phòng trên toàn thế giới nhằm thúc đẩy an ninh và thịnh vượng chung. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tuyên bố, “các quốc gia có sức mạnh và năng lực bổ sung cho nhau càng hợp tác bao nhiêu để đạt được các mục tiêu chung thì điều đó càng tốt bấy nhiêu”.

leftcenterrightdel

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin (bên phải) và người đồng cấp Thụy Điển Pål Jonson ký Thỏa thuận hợp tác quốc phòng (DCA). Ảnh: UPI 

Theo thông báo của Bộ Quốc phòng Mỹ, DCA được ký sau cuộc gặp giữa Bộ trưởng Quốc phòng hai nước tại Lầu Năm Góc. Hai Bộ trưởng đã khẳng định cam kết mở rộng quan hệ đối tác Mỹ - Thụy Điển cả về bề rộng lẫn chiều sâu trong bối cảnh môi trường an ninh đầy thách thức, đồng thời cùng thảo luận về những diễn biến an ninh tại châu Âu. Lầu Năm Góc nhấn mạnh đây là DCA đầu tiên giữa Mỹ và Thụy Điển. Thỏa thuận này mở đường để các lực lượng Mỹ hiện diện tại Thụy Điển trong tương lai.

Trang mạng UPI dẫn thông báo của Bộ Quốc phòng Thụy Điển khẳng định DCA là một bước quan trọng trong việc làm sâu sắc hợp tác quốc phòng thực chất giữa Stockholm và Washington. DCA góp phần “tăng cường an ninh khu vực đối với cả Thụy Điển và các nước láng giềng thông qua cam kết và sự hiện diện thực sự của Mỹ”. 

Theo Tạp chí Air & Space Forces, Bộ trưởng Quốc phòng Thụy Điển Pål Jonson đánh giá DCA sẽ đưa quan hệ đối tác gần gũi giữa Mỹ và Thụy Điển “trở nên gần gũi hơn nữa”, đồng thời nhấn mạnh DCA sẽ là “nền tảng mới” cho hợp tác song phương. Trang mạng UPI cho biết DCA dự kiến sẽ có hiệu lực vào năm tới.

Theo trang mạng Defense - Aerospace, Mỹ là một trong những đối tác quan trọng bậc nhất về quốc phòng và an ninh của Thụy Điển, cả ở bình diện song phương lẫn trong NATO. DCA là một “diễn biến tự nhiên” của quá trình hợp tác lâu dài giữa Stockholm và Washington trong lĩnh vực quốc phòng và an ninh.

DCA được ký trong bối cảnh cùng chính thức nộp đơn xin gia nhập NATO hồi tháng 5-2022, nhưng Thụy Điển vẫn chưa được kết nạp trong khi Phần Lan đã trở thành thành viên thứ 31 của liên minh quân sự lớn nhất hành tinh. Theo quy định, việc kết nạp một thành viên mới yêu cầu sự phê chuẩn của tất cả thành viên NATO. Thụy Điển cho đến nay vẫn chưa nhận được sự ủng hộ của Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary để gia nhập liên minh quân sự. Bộ trưởng Quốc phòng Thụy Điển Pål Jonson hy vọng nước này sẽ sớm trở thành thành viên NATO.

Tại cuộc gặp với người đồng cấp Thụy Điển, ông chủ Lầu Năm Góc đã tái khẳng định ủng hộ Thụy Điển gia nhập NATO và hy vọng rằng quốc gia Bắc Âu sẽ được kết nạp vào liên minh “sớm nhất có thể”. 

“Thụy Điển sẽ tăng cường hơn nữa liên minh quân sự sau khi hoàn tất việc gia nhập NATO. Tư cách thành viên của Thụy Điển sẽ tăng cường năng lực phòng thủ tập thể và nâng cao khả năng ứng phó với các thách thức an ninh ở khu vực châu Âu-Đại Tây Dương. Thụy Điển sẽ là nhà cung cấp an ninh ngay từ ngày đầu tiên gia nhập NATO và liên minh sẽ mạnh mẽ hơn khi có Thụy Điển”, thông báo của Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh.

HOÀNG VŨ

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.