Theo tờ The Washington Post, mì ramen là món ăn nhanh bình dân, được nhiều sinh viên, học sinh và những người làm công ăn lương ở Nhật Bản yêu thích. Giá của món ăn nổi tiếng này hiếm khi cao hơn 1.000 yên/tô (tương đương khoảng 6,8USD).

Thế nhưng, tình trạng lạm phát tại Nhật Bản tác động mạnh tới giá của mỗi tô mì ramen. Bằng chứng là kể từ đầu năm đến nay, nhiều tiệm mì ramen ở Nhật Bản buộc phải đóng cửa khi các chủ quán phải đối mặt với tình thế “tiến thoái lưỡng nan”, đó là hoặc phải tăng giá vượt quá 1.000 yên/tô hoặc phải chấp nhận ngừng kinh doanh. Công ty nghiên cứu doanh nghiệp Teikoku Databank có trụ sở ở Tokyo cho biết, tính đến tháng 7 năm nay, đã có tổng cộng 49 cửa hàng mì ramen nộp đơn xin phá sản do chi phí nguyên liệu, nhân công và giá điện đã tăng tới 10% chỉ trong vòng 3 năm qua.

leftcenterrightdel
Thực khách thưởng thức mì ramen trong một quán ăn lâu đời ở Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: The Washington Post 

“Giá cả đã tăng trong những năm qua, nhưng 3 năm trở lại đây thì thật không thể tin được. Tôi nghĩ mọi người trong ngành đều đang gặp khó khăn”, Tetsuya Kaneko, chủ một quán mì ramen ở khu vực phía Tây Tokyo chia sẻ. Năm ngoái, quán của ông Kaneko đã phải tăng giá thêm 50 yên lên 1.000 yên cho một tô mì ramen tiêu chuẩn.

Tất nhiên 49 trường hợp phá sản nói trên không ảnh hưởng tới “văn hóa mì ramen” của người Nhật Bản, bởi đó chỉ là một phần nhỏ trong tổng số hơn 21.000 quán mì ramen tại nước này. Nhưng đó cũng phần nào cho thấy thực tế đang diễn ra ở nền kinh tế lớn thứ tư thế giới, đó là lạm phát, đồng yên mất giá trong khi giá năng lượng tăng cao do ảnh hưởng từ cuộc xung đột Nga-Ukraine. Theo The Washington Post, chỉ trong vòng 5 năm qua, đồng yên của Nhật Bản đã mất hơn 40% giá trị so với đồng USD.

Nhiều quốc gia trên thế giới cũng đang phải vật lộn với cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt, nhưng cú sốc đối với người tiêu dùng Nhật Bản trở nên đặc biệt nặng nề vì trước đây họ đã quen với việc giá cả ổn định trong một thời gian dài. Bên cạnh đó, dù tiền lương cơ bản ở Nhật Bản đang được nâng lên với tốc độ nhanh nhất trong vòng 3 thập kỷ qua nhưng vẫn không theo kịp đà lạm phát, khiến người dân nước này cảm thấy... ngày càng nghèo hơn.

Theo Jesper Koll, nhà kinh tế đồng thời là nhà đầu tư ở Tokyo, nếu hỏi khách hàng xem có nên tăng giá hay không, tất nhiên họ sẽ trả lời là “Không”. Tuy nhiên, áp lực chi phí, chẳng hạn như giá lương thực và đặc biệt là giá năng lượng tăng cao, khiến các chủ tiệm mì ramen buộc phải tăng giá và gửi lời xin lỗi đến khách hàng.

Taisei Hikage, chủ quán mì Menya Taisei ở phía Tây Tokyo cho biết, khi anh khởi nghiệp cách đây chừng 10 năm, mì ramen rất rẻ nên thường được gọi là “bữa ăn một xu”. Nhưng trong khoảng 2-3 năm qua, mì ramen đã tăng giá bởi mọi nguyên liệu để làm ra món ăn này, từ thịt lợn, thịt gà, lúa mì, rong biển, măng, hành lá, nước tương và thậm chí cả dầu ăn đều đắt đỏ hơn trước. Các nhà kinh tế giải thích rằng, giá một số loại thực phẩm ở Nhật Bản tăng là do thu hoạch mùa màng kém và còn do nước này phụ thuộc nhiều vào thực phẩm nhập khẩu.

Chuyên gia kinh tế cấp cao Norihiro Yamaguchi tại công ty tư vấn Oxford Economics dự đoán, áp lực từ tình trạng giá lương thực tăng cao ở Nhật Bản sẽ tiếp tục diễn ra ít nhất là đến cuối năm. Từ nay tới lúc đó, nhiều chủ quán mì ramen sẽ tăng giá một cách thận trọng lên mức 1.000 yên/tô hoặc hơn, trong khi vẫn phải bảo đảm chất lượng món ăn để giữ chân thực khách. Tờ Nikkei Asia cho biết thêm, một số chuỗi cửa hàng mì ramen đang chuyển ra vùng ngoại ô để mang bữa ăn giá rẻ đến với các gia đình đang phải vận lộn với tình trạng lạm phát.

Một chủ quán tâm sự rằng, mì ramen luôn là món ăn chủ yếu của những người có thu nhập thấp hoặc sinh viên, giới trẻ Nhật Bản nên ông không muốn nó trở thành thứ vượt ngoài khả năng của họ.

ANH VŨ

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.