Đợt nắng nóng bất thường này kéo dài từ tháng 3 tới nay, đi kèm lượng mưa ít trên toàn khu vực đã tàn phá nghiêm trọng mùa màng và làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống người dân ở hai quốc gia Nam Á này.

Theo AFP, trong nhiều ngày qua, nhiệt độ tại thủ đô New Delhi của Ấn Độ vào ban ngày đạt 44oC và không dưới 30oC vào ban đêm. Thậm chí, nhiệt độ ở một số nơi còn đạt ngưỡng 50oC. Tại Odisha, bang miền đông Ấn Độ, các trường học phải đóng cửa, trong khi bang Tây Bengal lân cận phải kéo dài kỳ nghỉ hè của học sinh thêm nhiều ngày. Nắng nóng còn là nguyên nhân gây ra nhiều vụ cháy rừng. “Tình hình rất tồi tệ. Trời cực kỳ nóng và chúng tôi rất lo lắng về tình trạng mất điện”, một người dân ở thành phố Amritsar, phía bắc Ấn Độ  cho biết.

Người dân ở Mumbai, Ấn Độ xếp hàng lấy nước quanh một chiếc giếng. Ảnh: SIPA 

Cục Khí tượng Ấn Độ ghi nhận nước này vừa trải qua tháng 3 nóng nhất trong vòng 122 năm qua, với nhiệt độ trung bình toàn quốc ở mức 33,1oC, cao hơn kỷ lục cũ là 30,67oC vào tháng 3-2004. Đợt nắng nóng lần này kết hợp với hiện tượng “nhiệt độ bầu ướt” đang thách thức giới hạn chịu đựng của người dân Ấn Độ. “Nhiệt độ bầu ướt” là đơn vị nhiệt độ thấp nhất có thể đạt được khi không khí bão hòa hơi nước, thường không quá 31oC. Khi “nhiệt độ bầu ướt” cao hơn 35oC, không khí không thể hấp thụ thêm hơi nước, khiến mồ hôi không bay hơi, làm cho con người gặp các hiện tượng sốc nhiệt như mệt mỏi, chuột rút, phát ban, đặc biệt là tình trạng say nắng với nguy cơ tử vong chỉ sau vài giờ. Các bác sĩ Ấn Độ cho biết, nhiều người dân đã phải nhập viện do say nắng hoặc các vấn đề liên quan đến nắng nóng. Khoảng 60-70% bệnh nhân là trẻ em bị nôn mửa, tiêu chảy, suy nhược cùng nhiều triệu chứng khác. Bang Maharashtra ở phía tây Ấn Độ đã báo cáo 25 ca tử vong vì nắng nóng từ cuối tháng 3-2022, con số cao nhất trong vòng 5 năm qua.

Nắng nóng không chỉ gây ra phiền toái, khó chịu và ảnh hưởng tới sức khỏe của người dân mà còn tác động tới hoạt động sản xuất ở Ấn Độ. Tình trạng cắt điện luân phiên gây ảnh hưởng nặng nề tới hoạt động kinh tế đang hồi phục sau đại dịch, đồng thời làm gián đoạn các dịch vụ thiết yếu như bệnh viện, trường học. Nhiều khu dân cư ở các bang như Uttar Pradesh, Punjab, Haryana và Rajasthan liên tục bị cắt điện 7-8 giờ/ngày. Nắng nóng cũng tàn phá nhiều loại cây trồng, trong đó có lúa mì, rau củ, trái cây. Sản lượng lúa mì đã giảm gần 50% ở một số khu vực của Ấn Độ, làm dấy lên lo ngại về nguy cơ thiếu hụt lương thực trong thời gian tới.

Tương tự, nắng nóng cũng đang thiêu đốt nhiều khu vực ở Pakistan khi có nơi đạt ngưỡng 48oC. Theo Cục Khí tượng Pakistan, tháng 3 vừa qua là tháng nóng nhất tại nước này kể từ năm 1961. Nhiều thành phố của Pakistan đã phải cắt điện 8 giờ/ngày, trong khi người dân ở khu vực nông thôn chỉ có điện trong nửa ngày. Đáng lo ngại hơn, Cơ quan Quản lý thảm họa quốc gia Pakistan cảnh báo nguy cơ xảy ra lũ quét ở khu vực miền Bắc nước này do nhiệt độ tăng có thể làm tan băng.

Nguyên nhân dẫn tới các đợt nắng nóng ở Ấn Độ và Pakistan được các chuyên gia nhận định là do lượng mưa trung bình tại khu vực Nam Á sụt giảm một cách bất thường trong những tháng qua. Các hình thái thời tiết trên tạo nên tình trạng thiếu nước, hạn hán ở nhiều khu vực của Ấn Độ và Pakistan. Friederike Otto, nhà khoa học ở Đại học Hoàng gia London (Anh) cho biết, biến đổi khí hậu khiến nắng nóng xảy ra thường xuyên hơn với nền nhiệt cao hơn. Bà Otto dự báo, các đợt nắng nóng sẽ tấn công Ấn Độ khoảng 4 năm một lần thay vì 50 năm một lần như trước đây.

BÌNH NGUYÊN