Bang nông nghiệp trọng điểm Rio Grande do Sul của Brazil đã phải hứng chịu một thảm họa khí hậu chưa từng có trong 3 tuần qua, khi mưa lớn xối xả trong nhiều ngày gây ra lũ lụt diện rộng, khiến hơn 150 người thiệt mạng, khoảng 100 người mất tích.

leftcenterrightdel

Lũ lụt tàn phá khu vực bang Rio Grande do Sul (Brazil), ngày 14-5. Ảnh: AFP 

Đây là lần thứ tư trong vòng chưa đầy một năm qua, bang này phải hứng chịu hiện tượng thời tiết cực đoan, mà theo giới khoa học, là hậu quả của tình trạng biến đổi khí hậu và nạn phá rừng tràn lan. Số liệu thống kê cho thấy, Rio Grande do Sul đã mất 22% diện tích rừng nguyên sinh, tương đương 3,6 triệu héc-ta, trong khoảng thời gian từ năm 1985 đến 2022. Người ta phá rừng để canh tác nông nghiệp, trồng bạch đàn và đậu nành. Brazil hiện là nhà xuất khẩu đậu nành lớn nhất thế giới, song cái giá phải trả cho vị thế đó có lẽ không hề rẻ. Trong đợt lũ lụt vừa qua, 90% diện tích Rio Grande do Sul ngập trong nước lũ. Lũ cũng cuốn trôi lớp đất đai màu mỡ trên bề mặt xuống lòng sông. Điều đó đồng nghĩa với việc canh tác nông nghiệp sẽ kém đi hiệu quả, trong khi dưới lòng sông lớp bùn dày đặc tích tụ ngày càng lớn, cản trở lưu thông dòng chảy, tạo nên một vòng luẩn quẩn khi nguy cơ lũ lụt trong mùa sau trở nên cao hơn.   

Các chuyên gia nhận định, để khắc phục và ngăn chặn những thảm họa tiếp theo, ngoài việc di dời người dân khỏi các khu vực nguy cơ cao, xây dựng lại cơ sở hạ tầng, thì việc cấp thiết ban hành chính sách khôi phục thảm thực vật bản địa là vô cùng quan trọng. Theo một nghiên cứu năm 2023 của tổ chức Instituto Escolhas, Rio Grande do Sul cần khôi phục khẩn cấp hơn một triệu héc-ta rừng để giữ đất, giữ ẩm, ngăn nước tích tụ trên bề mặt, chống xói mòn và lở đất. Quan trọng hơn cả vẫn là việc tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của cả giới chức và người dân địa phương về tầm quan trọng của rừng trong ngăn chặn biến đổi khí hậu và thảm họa thiên nhiên.

THANH HẢI

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.