“Đặc biệt, năm 2023 sẽ là bệ phóng để con người chinh phục không gian”, theo nhận định của trang mạng lesnumeriques.com.

Bùng nổ đầu tư vào không gian

Năm 2022 là một năm huy hoàng đối với ngành hàng không vũ trụ. Trước đây, “cuộc chiến những vì sao” là sự cạnh tranh của Mỹ, Nga Trung Quốc. Ngày nay, chinh phục không gian còn có sự tham gia của Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất.

Các nước này đã dành những khoản đầu tư lớn cho ngành hàng không vũ trụ. Đơn cử như ngân sách của Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) đã tăng lên 25,4 tỷ USD cho năm 2023. Trong khi đó, Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) cũng tăng ngân sách 18 tỷ USD trong ba năm tới.

Ở lĩnh vực tư nhân, các công ty như SpaceX của tỷ phú Elon Musk, Blue Origin của tỷ phú Jeff Bezos hay Virgin Galactic của tỷ phú Richard Branson cũng đầu tư khoản tiền lớn vào lĩnh vực này. Theo một nghiên cứu của Tập đoàn Tauri, trong giai đoạn 2010-2014, khối tư nhân toàn cầu đã đầu tư 3,35 tỷ USD cho lĩnh vực không gian. Con số này đã tăng lên tới 16,84 tỷ euro trong giai đoạn 2015-2019.

leftcenterrightdel
Hệ thống phóng không gian (SLS) đưa tàu Orion của NASA lên quỹ đạo từ Trung tâm Vũ trụ Kennedy ở Florida (Mỹ) ngày 16-11-2022. Ảnh: NASA 

Năm 2022, thế giới cũng chứng kiến sự ra mắt của một số sứ mệnh đầy tham vọng trong lịch sử loài người. Trong đó, sứ mệnh thám hiểm Mặt Trăng mang tên Artemis 1 của NASA đã làm tốn nhiều giấy mực nhất. Theo lesnumeriques.com, chương trình Artemis là nỗ lực của NASA nhằm đưa con người quay lại Mặt Trăng, sau khi chương trình Apollo khép lại cách đây 50 năm.

Ngày 16-11-2022, tàu Orion của NASA đã được hệ thống phóng không gian (SLS)-hệ thống tên lửa mạnh nhất từng được NASA chế tạo-phóng lên quỹ đạo từ Trung tâm Vũ trụ Kennedy ở Florida (Mỹ). Chuyến bay quan trọng này nhằm đánh giá hiệu quả hoạt động của các hệ thống trên tàu và bảo đảm rằng Orion an toàn để chở người cho chuyến hành trình đến Mặt Trăng. Tàu vũ trụ Orion đã quay trở về trái đất sau hành trình 25 ngày vòng quanh mặt trăng, kết thúc sứ mệnh Artemis 1.

Với thành công trên, dự kiến, sứ mệnh Artemis 2-đưa phi hành gia bay vòng quanh mặt trăng-sẽ được tiến hành sớm nhất là vào năm 2024. Trong khi đó, sứ mệnh Artemis 3-đưa phi hành đoàn (trong đó có 1 nữ giới) hạ cánh xuống cực Nam của Mặt Trăng-sẽ được thực hiện sau đó một năm.

Thành công của tàu vũ trụ Danuri của Hàn Quốc vào cuối năm 2022 cũng rất vang dội. Được phóng vào tháng 8-2022 bởi tên lửa SpaceX Falcon 9, tàu Danuri đã hoàn thành thành công cuộc diễn tập vào quỹ đạo mặt trăng đầu tiên hôm 17-12 vừa qua. Trong khi đó, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất cũng đã phóng tàu thăm dò mặt trăng đầu tiên mang tên Rashid vào ngày 11-12-2022 với sự trợ giúp của SpaceX và công ty iSpace của Nhật Bản.

Cũng trong năm 2022, các hoạt động hàng không vũ trụ tư nhân có xu hướng đa dạng hóa khi các công ty SpaceX, Blue Origin và Virgin Galactic coi du lịch không gian là một nguồn thu nhập rất hứa hẹn...

Bùng nổ du lịch Mặt Trăng

Năm tới, du lịch mặt trăng được dự đoán sẽ bùng nổ. Trước mắt, sứ mệnh DearMoon của SpaceX sẽ sử dụng tàu vũ trụ Super Heavy và Starship để đưa tỷ phú Nhật Bản Yusaku Maezawa và 8 hành khách dân sự khác bay ngang qua mặt trăng. 

Năm 2023 cũng sẽ đánh dấu sự trở lại mặt trăng của Nga với sứ mệnh Luna 25. Nga đang đặt mục tiêu khởi động lại sứ mệnh Luna 25 sau nhiều lần trì hoãn. Sứ mệnh này sẽ đưa tàu thăm dò lên mặt trăng để thu thập các mẫu vật chất từ vùng cực Nam.

Những chuyến đi mới tới các điểm khác trong Hệ mặt trời cũng nhận được nhiều sự quan tâm trong năm 2023. Tháng 4-2023 sẽ chứng kiến một nhiệm vụ mới do ESA thực hiện mang tên JUICE, với nhiệm vụ khám phá mặt trăng băng giá của Sao Mộc.

“Đây là sứ mệnh đầu tiên về cơ bản tập trung vào các mặt trăng băng giá. Chúng tôi có thể biết được những mặt trăng băng giá này có các đại dương rất sâu và chúng có thể có các điều kiện để sự sống phát triển”, Mark McCaughrean, cố vấn cấp cao về khoa học và thám hiểm tại ESA, cho biết. Ngoài ra, ESA dự kiến sẽ tiến hành một nhiệm vụ quan trọng khác vào cuối năm 2023, đó là phóng kính thiên văn vũ trụ Euclid để tìm kiếm vật chất tối.

Vào tháng 10-2023, NASA sẽ khởi động một sứ mệnh khoa học quan trọng là khám phá 16 Psyche, một tiểu hành tinh khổng lồ nằm trong Vành đai Tiểu hành tinh. 16 Psyche chiếm tới 1% khối lượng của toàn bộ vành đai và được suy đoán là lõi của một hành tinh cổ đại. Đây là một tiểu hành tinh giày kim loại, với nhiều sắt, niken và vàng.

Sứ mệnh OSIRIS-REx của NASA dự kiến sẽ quay trở lại trái đất vào tháng 9-2023 với các mẫu vật từ tiểu hành tinh Bennu. Amazon đặt mục tiêu gửi các vệ tinh đầu tiên cho Dự án Kuiper vào đầu năm 2023, khởi đầu của mạng liên lạc quỹ đạo 3.000 vệ tinh mà họ hy vọng sẽ cạnh tranh với dịch vụ internet vệ tinh Starlink của SpaceX.

KIM OANH