Bà Granholm khẳng định, Bộ Năng lượng Mỹ đang phát triển một chiến lược bảo đảm nguồn cung urani ổn định, đáp ứng các nhu cầu về hạt nhân của nước này, theo đó bảo đảm cung cấp urani làm giàu ở cấp độ thấp cho các lò phản ứng hạt nhân nước nhẹ hiện có. Bà cũng cho biết, hiện tại một chiến lược liên bang toàn diện về urani đang trong quá trình thảo luận.

Nguồn cung urani từ Nga luôn là một vấn đề đau đầu với Mỹ. Theo báo The New York Times, hiện khoảng 50% lượng urani được sử dụng làm nhiên liệu cho các nhà máy điện hạt nhân của Mỹ được nhập khẩu từ Nga và hai đối tác thân thiết của Nga là Kazakhstan và Uzbekistan. Bởi thế nên dù cấm nhập khẩu dầu mỏ, khí đốt tự nhiên và than đá của Nga, nhưng Mỹ chưa hề động tới urani.

Một mỏ urani cũ bị bỏ hoang của Mỹ tại hẻm núi phía đông nam Utah. Ảnh: Getty Images 

Thêm vào đó, việc chuyển đổi, làm giàu và chế tạo urani là các quy trình kỹ thuật phức tạp chỉ được xử lý tại một số ít cơ sở trên khắp thế giới. Nhiên liệu cho lò phản ứng hạt nhân được xử lý chuyên môn hóa và gắn liền với các thiết kế lò phản ứng cụ thể. Vì thế, khi mua một lò phản ứng điện hạt nhân từ các nhà cung cấp như công ty Rosatom của Nga, sự phụ thuộc của khách hàng vào nguồn cung có thể kéo dài hàng thập kỷ. Tất cả những yếu tố này làm cho chuỗi cung ứng hạt nhân trở nên phức tạp hơn, ít mang tính cạnh tranh và khó chuyển dịch nhanh như các dạng năng lượng khác, chẳng hạn như dầu và khí đốt.

Nguồn tài nguyên urani trên thế giới được phân bổ khá rộng rãi, nhưng đa số chúng được sản xuất ở 6 quốc gia: Nga, Kazakhstan, Canada, Australia, Namibia và Niger. Theo Hiệp hội Hạt nhân thế giới, Kazakhstan sản xuất hơn 40% nguồn cung toàn cầu, tiếp theo là Canada (12,6%), Australia (12,1%) và Namibia (10%). Nga là quốc gia có trữ lượng nhỏ, chiếm khoảng 5% nguồn cung. Tuy vậy, phần lớn nguyên liệu urani thô của Kazakhstan lại được chuyển đến Nga trước khi xuất khẩu ra các thị trường khác trên thế giới. Nhiều bộ phận khác của chuỗi cung ứng cũng đi qua Nga.

Công ty năng lượng hạt nhân Rosatom của Nga được thành lập năm 2007, hiện đang sản xuất gần 20% nhiên liệu hạt nhân trên thế giới-mang lại nguồn thu quan trọng cho Moscow giống như nhiên liệu hóa thạch. Cũng chính vì điều này nên khi đứng trước lựa chọn cần phải đưa ra một biện pháp trừng phạt mạnh mẽ hơn nhằm tạo tác động đáng kể đối với nền kinh tế Nga, một số thượng nghị sĩ Mỹ đã nghĩ tới urani. Hồi tháng 3, Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa John Barrasso đã đệ trình dự luật nhằm cấm nhập khẩu urani Nga, một phần để hồi sinh hoạt động tại các mỏ khai thác urani ở tây Mỹ. Các nhà lập pháp ở Hạ viện, gồm Nghị sĩ đảng Dân chủ Henry Cuellar cũng đã đệ trình dự luật tương tự. Tuy nhiên, những dự luật này chưa được lưỡng viện thông qua, chủ yếu vì Mỹ vẫn còn phụ thuộc quá lớn vào urani từ Nga.

Tại xứ cờ hoa, các lò phản ứng hạt nhân tạo ra 20% điện năng của quốc gia. Nếu Nga trả đũa lệnh trừng phạt của phương Tây bằng cách dừng xuất khẩu urani đã chuyển đổi hoặc đã được làm giàu, các nhà máy ở Mỹ có thể bị ảnh hưởng trong vòng từ 18 đến 24 tháng. Những công ty sản xuất điện hạt nhân sẽ phải chịu giá cao hơn nếu họ chuyển sang nhập khẩu nhiên liệu urani đã làm giàu hoặc mua dịch vụ từ các thị trường khác. Hãng tin Reuters nhận định, nguồn cung nhiên liệu rẻ là yếu tố cần thiết để giữ giá điện của Mỹ ở mức thấp.

Được biết, chính quyền Tổng thống Joe Biden đang gấp rút soạn thảo các yêu cầu đề xuất cho chương trình phát triển một Khu dự trữ urani chiến lược (tương tự như Khu dự trữ dầu mỏ chiến lược của quốc gia), đồng thời tăng cường năng lực khai thác, xử lý urani nhằm vá lỗ hổng về nguồn cung, tránh phụ thuộc vào Nga. Tuy nhiên, một số chuyên gia nhận định, để có thể chuyển sang tự cung tự cấp nhiên liệu hạt nhân, Mỹ sẽ cần phải tiêu tốn rất nhiều thời gian và tiền bạc, cũng như giải quyết một loạt các vấn đề về kỹ thuật. Hiện tại, Mỹ chỉ có một nhà máy urani đang hoạt động có tên White Mesa ở Utah, nhưng sản lượng của nó không đáng kể.

GIA HUY