Ngày 24-5, Tổng thống Mỹ Joe Biden kêu gọi người dân nước này đấu tranh chống lại việc vận động hành lang ủng hộ súng đạn và gây áp lực đối với các thành viên của Quốc hội nhằm thông qua các dự luật kiểm soát súng đạn. Theo AFP, phát biểu từ Nhà Trắng, Tổng thống Joe Biden nói: “Đã đến lúc biến nỗi đau này thành hành động cho mọi bậc cha mẹ, cho mọi người dân của đất nước này. Chúng ta phải làm rõ điều đó cho mọi quan chức ở Mỹ rằng đã đến lúc phải hành động”. Ông Biden gọi vụ xả súng tại Trường Tiểu học Robb là một vụ thảm sát khi nhiều học sinh lớp 2, 3 và 4 vô tội bị thiệt mạng. Theo Reuters, ông Biden cũng đề cập đến những nỗ lực của các nhóm ủng hộ quyền sở hữu súng đạn ở Mỹ. Nhà lãnh đạo Mỹ nhấn mạnh: “Chúng ta còn chờ đến khi nào mới chống vận động hành lang ủng hộ súng đạn? Tại sao chúng ta sẵn lòng sống chung với cuộc tàn sát này? Tại sao chúng ta cứ để chuyện này liên tục xảy ra?”.

Lực lượng an ninh tập trung bên ngoài Trường Tiểu học Robb sau vụ xả súng. Ảnh: AP 

 

Lời kêu gọi của Tổng thống Joe Biden được đưa ra chỉ vài giờ sau khi xảy ra vụ xả súng tại Trường Tiểu học Robb khiến ít nhất 21 người thiệt mạng, trong đó có 19 học sinh. Đây là vụ xả súng tại một trường tiểu học gây nhiều thương vong nhất tại Mỹ kể từ vụ tấn công tại bang Connecticut năm 2012, cướp đi sinh mạng của 26 người, trong đó có 20 trẻ em. Nhà lãnh đạo Biden đã yêu cầu treo cờ rủ tại Nhà Trắng, những tòa nhà công vụ liên bang... nhằm bày tỏ sự tiếc thương các nạn nhân. Về phần mình, Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris đã lên án vụ xả súng, nhấn mạnh vụ việc một lần nữa nhắc nhở giới chức cần hành động mạnh mẽ để ngăn chặn tái diễn thảm kịch tương tự.

Khi chỉ còn vài ngày nữa là các em học sinh bước vào kỳ nghỉ hè, vụ xả súng là “cơn ác mộng” của Trường Tiểu học Robb nói riêng và nước Mỹ nói chung. Cơ quan chức năng xác định thủ phạm là Salvador Ramos, 18 tuổi, sống ở Uvalde. Hắn đã giết chết bà của mình rồi sau đó đến trường và xả súng. Hắn đã bị cảnh sát tiêu diệt tại chỗ.

Trong nhiều năm qua, kiểm soát súng đạn là một trong những chủ đề gây chia rẽ sâu sắc tại chính trường Mỹ do Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ có quan điểm trái ngược nhau. Trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng, ông Biden từng hứa sẽ thúc đẩy các biện pháp an toàn liên quan đến súng đạn để giảm hàng chục nghìn trường hợp tử vong vì súng đạn hằng năm tại Mỹ. Tuy nhiên, ông và các thành viên Đảng Dân chủ đã không có đủ số phiếu ủng hộ tại Quốc hội Mỹ để có thể thông qua dự luật về việc kiểm tra lý lịch khi mua súng hoặc các dự luật khác. Những nỗ lực của các nhà lập pháp nhằm thay đổi chính sách về kiểm soát súng đạn ở Mỹ không chỉ liên tục gặp phải rào cản từ Đảng Cộng hòa mà còn từ các nhóm vận động hành lang. Trên thực tế, ngành sản xuất và kinh doanh súng đạn mang lại lợi nhuận khổng lồ mỗi năm. Do đó, các nhóm vận động hành lang tại Mỹ, trong đó có Hiệp hội Súng trường quốc gia (NRA), thường không chịu ngồi yên khi các biện pháp quản lý súng ảnh hưởng tới hoạt động của họ.

Theo Small Arms Survey-một tổ chức nghiên cứu có trụ sở tại Geneva (Thụy Sĩ), Mỹ là quốc gia có nhiều người dân sở hữu vũ khí nhất trên thế giới. Số liệu thống kê mới nhất của Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) cho thấy, số vụ xả súng có chủ đích tại nước này trong năm 2021 đã tăng hơn 50% so với năm trước đó. Báo cáo của FBI chỉ rõ, các vụ xả súng có chủ đích tại nước này là 61 vụ, cướp đi sinh mạng của 103 người và khiến 140 người bị thương, không tính đối tượng nổ súng. Những con số biết nói này gióng hồi chuông báo động về nạn bạo lực súng đạn tại Mỹ. Điều này đặt ra thách thức lớn đối với chính quyền Tổng thống Biden trong việc tìm ra giải pháp hiệu quả để bịt những “lỗ hổng” trong kiểm soát súng đạn.

LÂM ANH