Theo Reuters, Tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định Bộ trưởng Tài chính và Giám đốc Hội đồng Kinh tế quốc gia nước này đã tích cực làm việc với các cơ quan quản lý ngân hàng để giải quyết những vấn đề tại SVB và ngân hàng Signature (SB).

Ông Biden nhấn mạnh: “Người dân và các doanh nghiệp Mỹ có thể tin tưởng rằng tiền gửi ngân hàng của họ sẽ vẫn ở đó khi họ cần. Tôi cam kết những người chịu trách nhiệm về vấn đề này sẽ tiếp tục nỗ lực tăng cường giám sát và điều chỉnh các ngân hàng lớn hơn để chúng ta không rơi vào tình huống này một lần nữa”.

Website của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) cũng phát đi tuyên bố chung của Bộ Tài chính, FED và Công ty Bảo hiểm ký thác liên bang Mỹ (FDIC) liên quan tới việc SVB bị phá sản. Tuyên bố cho hay những cơ quan này đang thực hiện các hành động quyết đoán bảo đảm rằng hệ thống ngân hàng Mỹ tiếp tục thực hiện vai trò quan trọng của mình trong việc bảo vệ tiền gửi cũng như cung cấp khả năng tiếp cận tín dụng cho các hộ gia đình, doanh nghiệp theo cách thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và bền vững.

leftcenterrightdel
 Khách hàng tụ tập bên ngoài trụ sở SVB. Ảnh: NBC News

Theo đó, từ ngày 13-3, người gửi tiền tại SVB có quyền tiếp cận tất cả số tiền của họ và người nộp thuế sẽ không phải chịu bất kỳ tổn thất nào liên quan đến việc giải quyết hậu quả của vụ SVB sụp đổ. Ngoài ra, FED sẽ cấp thêm vốn cho các tổ chức lưu ký đủ điều kiện để giúp bảo đảm các ngân hàng có khả năng đáp ứng nhu cầu của tất cả khách hàng gửi tiền.

Một quan chức cấp cao của Bộ Tài chính Mỹ cho biết, chính quyền của Tổng thống Biden sẽ làm việc với Quốc hội và các cơ quan quản lý tài chính để xem xét thêm các biện pháp nhằm củng cố hơn nữa hệ thống tài chính. Đây là nỗ lực của chính quyền Mỹ nhằm trấn an và củng cố niềm tin của người dân vào hệ thống ngân hàng trong bối cảnh vụ sụp đổ của SVB đã gây hoảng loạn cho thị trường tài chính nước này.

Được thành lập vào năm 1983, SVB có trụ sở tại thành phố Santa Clara, bang California là một trong những ngân hàng lớn nhất ở Thung lũng Silicon và lớn thứ 16 ở Mỹ với khối tài sản trị giá hơn 200 tỷ USD. Hôm 10-3, các nhà chức trách bang California đã đóng cửa SVB và chỉ định FDIC làm đơn vị tiếp nhận xử lý tài sản của ngân hàng này. SVB sụp đổ sau khi khách hàng đổ xô tới rút tiền do lo lắng về tình trạng tài chính của ngân hàng.

Đây là vụ phá sản ngân hàng lớn thứ hai trong lịch sử nước Mỹ, sau vụ ngân hàng Washington Mutual (WaMu) sụp đổ vào năm 2008 trong thời kỳ khủng hoảng tài chính toàn cầu. 

Khách hàng chủ yếu của SVB là các công ty khởi nghiệp (startup). SVB đã cung cấp dịch vụ ngân hàng cho gần một nửa số công ty công nghệ và chăm sóc sức khỏe của Mỹ cùng hơn 2.500 công ty đầu tư mạo hiểm. Các giám đốc điều hành (CEO) ở Thung lũng Silicon lo ngại rằng nếu Washington không giải cứu khách hàng của SVB, nhiều khách hàng sẽ rút khỏi các tổ chức tài chính khác trong những ngày tới. Trong vài ngày qua, giá cổ phiếu đã giảm tại các ngân hàng khác phục vụ cho các công ty công nghệ, bao gồm ngân hàng First Republic và ngân hàng PacWest.

Sự sụp đổ nhanh chóng của SVB đã khiến ngành ngân hàng Mỹ “choáng váng” sau nhiều năm nỗ lực duy trì sự ổn định. Đáng chú ý, chỉ hai ngày sau khi SVB tuyên bố phá sản, cơ quan quản lý bang New York đã ra lệnh đóng cửa thêm một ngân hàng nữa là SB. Ngân hàng có trụ sở tại New York này là một trong những ngân hàng lớn của ngành công nghiệp tiền điện tử.

FDIC cũng đã được trao quyền kiểm soát SB nhằm xử lý tài sản của ngân hàng này. Các nhà quản lý ngân hàng khẳng định, những người gửi tiền tại ngân hàng này sẽ được bảo đảm và được lấy lại số tiền của họ, tương tự như trường hợp SVB.

Hoan nghênh động thái của chính quyền Mỹ, ông Jon Sakoda, người sáng lập công ty đầu tư mạo hiểm giai đoạn đầu Decibel Partners, nhận định: “Đây là một bước tiến lớn trong việc khôi phục niềm tin của cộng đồng khởi nghiệp. Trước đó, nhiều công ty khởi nghiệp có kế hoạch đưa ra các biện pháp khẩn cấp có khả năng dẫn đến việc sa thải nhiều nhân viên hơn và cho nhân viên nghỉ phép”.

Bất chấp sự hoảng loạn ở phố Wall, các quan chức Mỹ và giới phân tích cho biết sự sụp đổ của SVB khó có thể gây ra hiệu ứng domino rộng lớn như hiệu ứng từng siết chặt ngành ngân hàng trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen khẳng định: “Hệ thống ngân hàng Mỹ thực sự an toàn và được vốn hóa tốt”.

Cùng quan điểm, nhà kinh tế trưởng Mark Zandi của tập đoàn Moody cho biết: “Hệ thống hiện nay được vốn hóa tốt và có tính thanh khoản tốt hơn trước đây”. Tuy nhiên, nhà phân tích thị trường cấp cao Ed Moya tại công ty môi giới ngoại hối Oanda nhận định, dù khủng hoảng liên quan đến SVB khó có khả năng lây lan rộng, song những ngân hàng nhỏ hơn gắn liền với các ngành đang thiếu tiền mặt như công nghệ và tiền điện tử có thể gặp khó khăn.

LÂM ANH