Theo Nikkei, ngày 13-3, Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Anh Rishi Sunak và Thủ tướng Australia Anthony Albanese đã cùng có mặt tại căn cứ hải quân Mỹ ở San Diego, California để công bố thỏa thuận gây nhiều chú ý này. Đây là kết quả sau 18 tháng đàm phán kể từ khi 3 nước ký Hiệp ước an ninh 3 bên AUKUS vào tháng 9-2021, thiết lập quan hệ hợp tác về một số công nghệ quân sự bí mật nhất của Mỹ.

Phát biểu tại cuộc họp báo chung tại quân cảng San Diego với hai nhà lãnh đạo Mỹ và Anh, Thủ tướng Australia Anthony Albanese khẳng định, thỏa thuận này “là khoản đầu tư đơn lẻ lớn nhất trong lịch sử dành cho nền quốc phòng Australia".

Theo thỏa thuận có tên gọi dự án AUKUS, Mỹ sẽ bán 3 tàu ngầm hạt nhân lớp Virginia cho Australia vào đầu thập niên tới và Canberra có thể mua thêm 2 chiếc nữa nếu cần thiết. Theo dự kiến, tàu ngầm Virginia đầu tiên sẽ được Mỹ chuyển giao cho Australia vào năm 2033, tàu thứ 2 chuyển giao vào năm 2036 và tàu thứ 3 chuyển giao vào năm 2039.

leftcenterrightdel
Ba nhà lãnh đạo Mỹ, Anh và Australia chính thức công bố thỏa thuận tàu ngầm hạt nhân. Ảnh: Independent 

Financial Times dẫn lời các quan chức Mỹ cho biết, 3 thủy thủ Australia đã được đào tạo tại Mỹ và 2 người khác được đào tạo ở Anh. Khi Australia đã phát triển được đội ngũ thủy thủ, Mỹ sẽ bán cho Australia từ 3 đến 5 tàu ngầm lớp Virginia, bao gồm tàu mới và tàu tân trang. Bộ Quốc phòng Australia cùng ngày cũng thông báo các binh sĩ nước này đã bắt đầu tham gia các chương trình huấn luyện tàu ngầm hạt nhân của Anh và Mỹ. Hồi tháng 10 năm ngoái, Australia thông báo việc triển khai thành công khóa đào tạo chỉ huy tàu ngầm đầu tiên. 

AFP cho biết, các tàu ngầm của Australia sẽ sử dụng tên lửa thông thường, không được trang bị vũ khí hạt nhân. Tổng thống Joe Biden cũng nhấn mạnh những tàu ngầm này sử dụng năng lượng hạt nhân chứ không trang bị vũ khí hạt nhân. 

Theo dự án nhiều giai đoạn này, Anh và Australia sẽ hợp tác chế tạo lớp tàu ngầm mới SSN-AUKUS, dựa trên thiết kế tàu thế hệ tiếp theo của Anh, được đóng tại Anh và Australia kết hợp với công nghệ tiên tiến của Mỹ. Quân đội Australia ước tính dự án này có thể tiêu tốn 245 tỷ USD đến năm 2055.

Ngoài ra, Anh và Australia mỗi nước cũng có kế hoạch đóng ít nhất 8 tàu ngầm trị giá hàng tỷ USD. Những chiếc tàu ngầm đầu tiên của Australia dự kiến sẽ hoạt động vào đầu những năm 2040, trong khi Anh lên kế hoạch chế tạo 8 tàu ngầm và sẵn sàng mở rộng hạm đội tàu ngầm lên 19 chiếc trong tương lai. Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Australia Richard Marles cho biết, việc mua tàu ngầm lớp Virginia nhằm nâng cao năng lực cho hải quân nước này và trong lúc chờ đợi, Australia có thể tự chế tạo tàu ngầm thế hệ mới.

Thỏa thuận nói trên được công bố trong bối cảnh Australia muốn thay thế hạm đội tàu ngầm lớp Collins chạy diesel bằng các tàu sử dụng năng lượng hạt nhân, có khả năng tàng hình và di chuyển xa hơn. Việc hợp tác với Mỹ và Anh trong khuôn khổ thỏa thuận sẽ giúp Australia thu hẹp khoảng cách khi các tàu ngầm lớp Collins ngừng hoạt động vào những năm 2030. Australia cũng sẽ đầu tư vào cơ sở công nghiệp quốc phòng của Mỹ và Vương quốc Anh, một động thái chưa từng có nhằm tăng cường năng lực sản xuất tại các nhà máy đóng tàu. Thủ tướng Anthony Albanese nói rằng, AUKUS sẽ mang lại khoản đầu tư 4 tỷ USD cho năng lực công nghiệp của Australia trong giai đoạn 2023-2027, đồng thời tạo ra khoảng 20.000 việc làm trong 30 năm tới.

Với thỏa thuận này, Australia sẽ trở thành nước thứ 7 sở hữu tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân, sau Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc và Ấn Độ. 

Tổng thống Joe Biden nói rằng, thỏa thuận trong khuôn khổ liên minh AUKUS là một phần cam kết của Washington cùng hai trong số những đồng minh mạnh mẽ nhất của Mỹ đối với mục tiêu khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở. 

Theo giới chuyên gia, đối với Anh, thỏa thuận tiếp tục đưa Anh vào cấu trúc an ninh của khu vực, dựa trên những tiến bộ đã đạt được trong vài năm qua, đáng chú ý là việc nâng cao vị thế đối tác đối thoại trong ASEAN. 

Thương vụ tàu ngầm trị giá hàng chục tỷ USD cũng đánh dấu lần đầu tiên Mỹ xuất khẩu công nghệ tàu ngầm hạt nhân kể từ những năm 1960, sau khi giúp Anh thiết kế hạm đội của nước này. 

Cùng ngày, phản ứng trước việc Mỹ, Anh và Australia công bố thỏa thuận tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân cảnh báo, 3 nước đang đi theo “con đường sai lầm và nguy hiểm”. Trả lời họp báo thường kỳ, ông Uông Văn Bân nêu rõ: “Tuyên bố chung mới nhất của Mỹ, Anh và Australia chứng tỏ 3 nước này, vì lợi ích địa chính trị của mình, hoàn toàn coi thường mối quan ngại của cộng đồng quốc tế và đang ngày càng đi xa hơn trên con đường sai lầm và nguy hiểm”.

XUÂN PHONG